🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Thuyền sắp rời hồ Động-đình vào sông Tương. Thanh-Mai liếc nhìn Lê Văn, thấy mặt y buồn rười rượi, nàng biết cậu em vốn hiếu động nay ngồi im trầm tư vì phải xa Nong-Nụt, nhớ nhung chồng chất mà thành. Muốn phá cái yên lặng, nàng nháy sư huynh Trần Bảo-Dân một cái. Bảo-Dân cất tiếng hát:

Nàng về xứ Thái xa xôi,

Để thương, để nhớ, để tôi phải buồn.

Lê Văn nắm tay Bảo-Dân:

- Đại ca ơi, không phải em nhớ Nong-Nụt mà thôi đâu. Em buồn vì nhiều chuyện. Chuyện thứ nhất là chị Thiếu-Mai lấy chồng phải theo chồng ở lại Biện-kinh làm vương phi Yên-vương. Từ đây quan sơn cách trở, khó mà gặp nhau. Đại ca biết chứ, trong nhà chỉ có chị Thiếu-Mai với em, nay chị ấy đi lấy chồng, em trơ trọi một mình, buồn chết đi được. Chuyện thứ nhì, đại ca biết chứ, bọn em kết thành Thuận-Thiên thập hùng. Nhưng Thuận-Tông, Thiện-Lãm tính như ông cụ non không hợp với em. Em với Tự-Mai, Tôn Đản phá trời đã quen, nay vắng Tự-Mai em thấy thiếu thiếu một cái gì ấy. Muốn phá, muốn nghịch, không có ai hưởng ứng.

Thanh-Mai định phân giải đôi lời với Lê Văn, thì trên trời có tiếng chim ưng réo. Thiệu-Thái hú lên một tiếng gọi nó xuống. Chàng lấy thư trong ống tre dưới chân chim trình cho Khai-Quốc vương. Vương liếc qua, rồi bỏ vào túi.

Vương vào khoang lấy bút viết một lúc mấy tờ thư xong trao cho Thiệu-Thái một lá:

- Cháu sai chim ưng Bắc-biên mang về cho mạ mạ.

Vương biết bức thứ nhì, thứ ba rồi hỏi Thiệu-Thái:

- Mấy cặp chim ưng của mình có thể bay sang Đại-lý, Xiêm-la không?

- Thưa cậu được.

- Đây, cháu cho chim ưng mang thư này đến phủ Ngô-quốc quận vương ở Liễu-châu cho Tự-Mai. Thư này cho Trấn-Nam vương Đoàn Huy. Thư này cho lão sư Rát-ta-na xứ Xiêm.

Thiệu-Thái gọi ba cặp ưng xuống, bỏ thư vào ống tre dưới chân chim, hai tay tung nó lên cao. Ba cặp chim lượn một vòng, rồi hướng phương Nam bay vào đám mây trắng.

Sau khi Định-vương phá vỡ âm mưu của Hồng-thiết giáo Đại-Việt giúp Lưu hậu tổ chức cuộc chính biến định giết Thiên-Thánh hoàng đế, tiêu diệt hoàng tộc nhà Tống, tái lập một triều đình dùng Hồng-thiết kinh thay Nho trị dân... Uy tín Định-vương lên cao. Vương được cải phong làm Yên-vương. Nhưng vương nhất tâm nhất chí phù trợ cho nhà vua. Vì vậy vương để nhà vua cùng quần thần lo chính sự. Vương chỉ cố vấn giải quyết những vấn đề khó khăn.

Cuộc tuyển rể đông sàng cho mười bẩy giai nhân vẫn tiếp tục. Sau khi tuyển xong, Lý thái-hậu truyền làm lễ thành hôn cho công chúa Huệ-Nhu với Tự-Mai. Vì những công lao đã lập với triều Tống, Tự-Mai được phong:

Thái-tử thiếu bảo,

Đồng bình chương sự,

Tả kiêu vệ đại tướng quân,

Ngô quốc quận vương.

Ý Yên-vương muốn để Tự-Mai cùng công chúa tổng trấn Bắc-thùy, đối phó với Khất-đan. Nhưng đại hiệp Trần Tự-An đề nghị với Thiên-Thánh hoàng-đế rằng: Khi triều đình Tống-Việt đã nhất tâm muốn tạo hoà bình, thì Việt không cần đại quân trấn Bắc. Tống cũng chẳng nên đặt trọng binh ở Nam-thùy. Tuy nhiên cần phải có người có uy của Việt mới mong diệt hết bọn người Việt muốn gây thù với Hoa, mà không ai có thể dị nghị. Ngược lại người đó cần có chức tước bao trùm Nam-thùy Tống, mới mong ước thúc bọn tham quan chủ gây chiến. Người đó không ai ngoài công chúa Huệ-Nhu với phò mã Tự-Mai.

Tống-đế lập tức truyền bãi trọng binh ở Nam-thùy, cùng một lúc, Đại-lý, Đại-Việt, Lão-qua, Xiêm-la cũng rút quân ở biên giới Tống.

Triều đình cử phò mã cùng công chúa tổng trấn Nam-thùy, toàn quyền tùy nghi giải quyết mọi xích mích giữa Tống với Đại-Việt, Đại-lý. Tất cả trọng binh ở Nam-thùy được đưa lên Bắc-thùy chống với Khiết-Đan.

Bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính được đặt dưới quyền phò mã.

Thiên-Thánh hoàng đế ban chỉ dụ cho phò mã, công chúa cùng bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính : Tuyệt đối tránh xung đột với Đại-Việt, tôn trọng những gì Yên-vương với Khai-Quốc vương đã cam kết với nhau.

Nhà vua ủy cho Yên-vương tiễn Khai-Quốc vương và sứ đoàn Đại-Việt về nước.

Cũng trong dịp lễ cưới của Tự-Mai, Thiên-Thánh hoàng đế làm lễ tấn phong Lê Thiếu-Mai làm Yên-vương vương phi. Theo đề nghị của Yên-vương, Hoàng-đế ban chỉ ân xá trên toàn quốc. Tuy nhiên theo luật Tống, thì có ba tội không được ân xá là: Mưu phản, hành thích Hoàng-đế, làm gian tế cho ngoại bang. Vì vậy bọn Tào Lợi-Dụng cùng bọn Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản được ân xá tội tru di tam tộc, mà chỉ bị chém cả nhà.

Sau lễ, bốn đại tôn sư Đại-Việt: Ngô Quảng-Thiên, Phan Nam, Trần Tự-An, Hồng-Sơn theo lời mời của đại sư Minh-Thiên, cùng nhau lên núi Tung-sơn thăm chùa Thiếu-lâm. Còn sứ đoàn Đại-Việt lên đường về cố quốc. Sứ đoàn đi ba ngày mới tới Kinh-châu, rồi dùng thuyền đến Nam-ngạn.

Khai-Quốc vương hỏi Bảo-Dân:

- Nhị sư huynh! Nếu như thuyền xuôi giòng ra biển, rồi về Thiên-trường, phải mất bao nhiêu ngày?

Bảo-Dân tính toán một lúc, rồi đáp:

- Từ đây ra biển mất khoảng ba ngày. Từ biển về Thiên-trường mùa này có gió Bắc thổi, thuyền xuôi Nam rất mau, nên mất khoảng năm ngày nữa mà thôi.

Thanh-Mai thấy chồng đăm chiêu, nàng hỏi:

- Có truyện gì vậy? Chim ưng đưa thư của ai tới đấy? Hôm rồi, trong sân Hoàng-thành, kể từ lúc chim ưng mang thư tới, em thấy dường như anh không an tâm...

Hơn ai hết, Thanh-Mai hiểu chồng mình: Dù trong nguy nan đến đâu, vương cũng thản nhiên như không. Hôm ở trong vườn ngự uyển Hoàng-thành, sau khi vương nhận tin của chim ưng mang tới, tuy sắc mặt bình thường, nhưng vương trở thành trầm tư. Hôm nay tin tới, khi đọc, trán vương hơi nhăn lại. Thanh-Mai đoán hẳn có biến cố gì quan trọng lắm.

Nghe Thanh-Mai hỏi, vương đáp gọn lỏn:

- Thư của chị An-Quốc.

Trả lời vương phi xong, nét mặt của vương hiện ra vẻ cương quyết. Vương nói với Phụ-Quốc:

- Đại sư ca gọi mọi người vào họp.

Mọi người tề tựu. Vương khoan thai nói:

- Có nhiều biến cố trầm trọng tại quê nhà. Trong khi ta đi sứ thì Nhật-Hồ lão nhân lại qui tụ đệ tử, tái lập Hồng-thiết giáo, nhưng thực lực của y không mạnh. Có nhiều giáo chúng chỉ huy các đạo không theo lão. Họ vẫn trung thành với Lạc-long giáo. Phụ-hoàng ta đau nặng, tạm ủy thác cho Khai-Thiên vương nhiếp chính. Nhưng anh hùng thiên hạ lại không chịu tuân chỉ anh ta mới khổ. Vì vậy mười đạo quân phải trao cho các vương, mỗi vương thống lĩnh một đạo.

Vương-phi kinh hãi:

- Thực nguy quá, nếu khi anh chưa về mà phụ hoàng băng hà rồi, thì đương nhiên sẽ có chiến tranh lớn.

Thuận-Tông hỏi:

- Sư tỷ, tại sao lại có chiến tranh?

Thanh-Mai đưa mắt cho Tôn Đản, ý nàng muốn Đản giải thích cho Tông. Tôn Đản giảng giải:

- Tông phải biết rằng các vị vương Vũ-Uy, Dực-Thánh, Đông-Chinh, Vũ-Đức hiện đều cầm trọng quyền cả. Trước đây Hoàng-thượng phong cho tất cả các vương đều làm Thái-tử. Vì vậy vương nào cũng muốn làm vua. Mãi cho đến đại hội Thăng-long, quần hào tôn anh cả lên làm thủ lĩnh Đại-Việt, các vương mới tạm bỏ mộng. Nay anh cả đi vắng, các vương có coi Khai-Thiên vương ra gì đâu? Nếu Hoàng-thượng băng hà, nước một ngày không thể không có vua cầm quyền, đương nhiên các quan phải tôn Khai-Thiên vương lên kế vị. Các vương sẽ không chịu, đem quân tranh ngôi vua. Cuộc chiến tranh tương tàn không thể tránh nổi.

Tôn Đản ngừng lại cho Thuận-Tông, Thiện-Lãm theo kịp, rồi chàng tiếp:

- Cứ như chim ưng báo, thì Dực-Thánh vương được trao cho hai đạo Quảng-thánh. Mỗi đạo hơn vạn người. Vương lại thống lĩnh thủy quân. Thủy quân các trấn thì vương không sai phái được, nhưng ba hạm đội Động-đình, Bạch-đằng, Âu-cơ, mỗi hạm đội hai vạn người, rất thiện chiến, lưu động mau chóng. Trước đây vương đã đi đêm với Lưu hậu để sau này vương cướp ngôi, được Lưu hậu phong chức tước cho. Bây thời cơ đến, thủy bộ của vương cộng chung tới tám vạn quân, trong bóng tối lại được bọn Nhật-Hồ hỗ trợ, chắc chắn vương sẽ làm phản.

Chàng nói với Khai-Quốc vương:

- Em nghĩ trong phép dùng binh, ai ra tay trước sẽ chiếm được tiên cơ. Anh nên tìm cách nào đó mật truyền lệnh cho các Đô-đốc chỉ huy hạm đội, cùng tướng chỉ huy đạo Quảng-thánh bề ngoài giả tuân phục Dực-Thánh vương. Nếu như vương làm loạn thì không tuân lệnh. Hoặc giả cứ tuân lệnh, rồi đợi khi lâm trận thì hành động ngược lại.

Khai-Quốc vương đưa mắt cho vương phi, như cùng thông cảm với nhau điều gì, lát sau vương gật đầu:

- Lời Tôn đệ bàn thực phải. Về tướng chỉ huy, thì đạo Quảng-thánh trước do Đinh Thịnh chỉ huy. Trong khi ta vắng nhà Đinh Thịnh mới được tân thăng vào trấn vùng Nghệ-an, Đàm quý phi xin cho em là Đàm An-Hòa thay thế. Hoà được thăng làm Hữu Kiêu-vệ đại tướng quân. Ta vô lực với tên này rồi.

Vương nhìn vương phi:

- Còn thủy quân, từ sau đại hội Thăng-long, phái Đông-a không bị nghi ngờ, trái lại được tín cẩn. Cho nên ta lấy cớ hầu hết tướng thủy quân là đệ tử Đông-a, ta thăng người chỉ huy thủy đội Thăng-long là Đoàn Thông, đệ tứ sư huynh của Thanh-Mai lên chức Đô-đốc thống lĩnh hạm đội Động-đình, các sư đệ đều đã biết cả rồi. Ta lại thăng sư đệ Vũ Minh, con trai sư thúc Vũ Anh chỉ huy thủy đội Thiên-trường làm Đô đốc thống lĩnh hạm đội Âu-Cơ; ta cũng thăng sư đệ Phạm Tuy con trai sư thúc Phạm Hào đang chỉ huy thủy đội Thần-phù lên làm Đô đốc thống lĩnh hạm đội Bạch-đằng. Nếu bây giờ ta viết thư cho họ, bảo không tuân lệnh Dực-Thánh vương, truyện lộ ra, có thể tứ sư huynh với hai sư đệ bị hại. Vậy Thanh muội ngầm viết thư cho nhị sư thúc Vũ Anh, để người dùng hệ thống tế tác Đông-a mật lệnh cho ba đô đốc thì hơn .

Lê Văn đề nghị:

- Sư huynh. Em nghĩ dù các vương có khởi loạn, nhưng với sự hiện diện của anh, thì họ khó thành công. Em đề nghị chúng ta phải phi ngựa bất kể ngày đêm trở về ngay mới kịp.

Bảo-Hòa tiếp lời Lê Văn:

- Việc các vương tranh ngôi thì mình không đáng sợ. Đáng sợ là bọn Hồng-thiết giáo nhân đó nổi loạn mới nguy. Chúng ta đã thấy cái gương triều Tống thì rõ. Nhật-Hồ lão nhân lợi dụng cuộc tương tranh giữa bang Nhật-hồ với triều đình, giữa Lưu hậu với Yên-vương, để mưu cướp quyền. Bên Đại-Việt ta ắt lão cũng làm tương tự. Cái nguy là mọi hành động của chân tay lão bên Tống lão không nắm được, trong khi ta lại hiện diện tại đương trường. Ta mới thắng lão. Ngược lại, bây giờ lão đang ở đương trường, còn ta lại ở xa.

Nàng gay gắt hơn:

- Từ trước đến nay cháu vẫn không đồng ý với các vị đại sư Minh-Không, Huệ-Sinh cũng như một số các vị cho rằng bọn Hồng-thiết giáo dù sao cũng là người Việt, nên trong đại hội Lộc-hà, đáng lẽ thẳng tay tru diệt chúng đi, thì lại trị bệnh cho chúng, rồi xin ông ngoại ban chỉ ân xá cho chúng. Cháu thì cháu nghĩ rằng, vì chúng bất tài, ngu dốt, lại vô tư cách, trong hương đảng, ngoài anh hùng hào kiệt đều coi chúng như con sâu cái kiến, dơ bẩn. Vì vậy chúng mới kết hợp với nhau thành một đảng cướp, dùng độc tố khống chế thiên hạ. Nay tuy được ân xá, trở về với làng xóm, chúng lại hiện nguyên hình là những tên ngu dốt, không có tài kiếm sống, cho nên chúng phải tái lập lại Hồng-thiết để có oai quyền, để ăn trên ngồi trốc, để nhân danh xã tắc muốn giết ai thì giết. Lần này trở về, cậu nên thẳng tay giết chúng không tha. Tha chúng tức là có tội với dân với nước.

Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn cử tọa một lượt. Cao nhất là Bảo-Dân, thấp nhất là Lê Văn , mặt đều đằng đằng sát khí dường như đồng ý với Bảo-Hòa. Bảo-Hòa tiếp:

- Bây giờ chúng ta phải về khẩn cấp. Cháu đã thư cho phái Tản-viên chuẩn bị sẵn, hễ thấy bọn Hồng-thiết là thẳng tay tàn sát. Phái Tản-viên là hậu duệ của Thánh, mà đệ tử của ngài không tru ma diệt quỷ thì ai sẽ làm chuyện đó?

Khai-Quốc vương thở dài:

- Bảo-Hòa luận đúng, ta muốn dùng chim ưng truyền thư tới các tôn sư. Khổ một điều trước đây ta nhờ các tôn sư đi du thuyết khắp tám vùng tộc Việt hầu thống nhất đất nước. Nay các vị lại không ở nhà.

Vương tính đốt ngón tay:

- Quốc-trượng với Hồng-sơn đại phu thì đang ở chùa Thiếu-lâm. Sư bá Đặng Đại-Khê đang thay ta du thuyết ở Đại-lý. Sư thái Tịnh-Huyền, Tịnh-Tuệ hiện du thuyết bên Xiêm. Sư bá Minh-Không đang du thuyết ở Chân-lạp. Sư bá Thân Thiệu-Anh đang du thuyết ở Chiêm-thành. Đại-Việt ngũ long vắng nhà cả.

Mỹ-Linh bàn:

- Cháu nghĩ tuy Đại-Việt ngũ long vắng nhà, nhưng cũng còn nhân vật bậc nhì cũng đủ sức kiềm chế chúng. Chú thử nhờ họ xem.

Vương tỏ vẻ cương quyết:

- Đành vậy.

Vương viết thư, rồi trao cho Bảo-Hòa. Vì chim ưng của Bảo-Hòa thuộc Bắc-biên, nên chúng chỉ có thể đưa thư về cho Thiệu-Cực, rồi Thiệu-Cực sai chim khác chuyển tiếp đến nơi nhận.

Thư gửi đi rồi, vương truyền lệnh:

- Bây giờ đến chúng ta. Bảo-Hòa, cháu nghĩ chúng ta nên về bằng đường nào cho tiện?

- Thưa cậu, bọn Hồng-thiết giáo rất sảo quyệt. Nếu như ta đang trên đường về, mà chúng nổi loạn, ắt chúng phái nhiều đạo quân cản trở, khiến ta chậm bước. Ta có vượt qua được các đạo quân này, ắt cũng mất nhiều thời gian. Trong khi đó ở nội địa, chúng đã thành công. Vậy ta phải chia làm nhiều ngả mà về. Hàng ngày ta dùng chim ưng liên lạc với nhau.

Tôn Đản bàn tiếp:

- Theo em biết thì dường như anh định nhân dịp này tiêu trừ hết mầm mống bọn Hồng-thiết giáo thì phải. Hồi trước đại hội Thăng-long, anh không muốn diệt chúng, vì sợ ta mất đi những tinh hoa của đất nước. Còn bây giờ Nhật-Hồ lão nhân có làm phản, nhiều lắm một nửa giáo chúng theo y, còn một nửa vẫn trung thành với Lạc-long giáo. Tại sao anh lại sai chim ưng truyền tin đến cho các đại tôn sư ở Xiêm, Chiêm, Lão-qua, Chân-lạp, Đại-lý để cùng tận diệt chúng? Giữa hai quyết định, có đạo lý gì khiến anh thay đổi?

- Dễ hiểu. Trước đại hội Thăng-long, các võ phải chia rẽ trầm trọng, các nước thuộc tộc Việt không nước nào chịu nước nào. Bên trong thì các tôn sư một nửa ủng Lê, một nửa ủng Lý. Bên ngoài thì Lưu hậu, Định-vương đều muốn diệt Đại-Việt, cho nên ta cần giữ tài lực Hồng-thiết giáo để chống ngoại bang, vì vậy ta mở cho họ con đường sống.

Vương nhìn mây trôi trên trời:

- Nay thì khác. Các võ phái là một khối, nạn ủng Lê, ủng Lý không còn. Bên ngoài các nước thuộc tộc Việt thống nhất. Phía Bắc, Lưu hậu không còn. Yên-vương là bạn ta, trong khi Hồng-thiết giáo được ân xá mà còn nổi loạn, thì có nghiã là chúng không thể sửa đổi. Khi không thể sửa đổi thì chỉ có một đường duy nhất là giết hết.

Bọn Tôn Đản đồng công nhận quyết định của Khai-Quốc vương đúng đạo lý.

Tuy vấn đề khẩn cấp, nhưng từ nãy đến giờ nghe Bảo-Hòa, Tôn Đản, Mỹ-Linh kiến giải sự việc như những người kinh lịch nhất. Vương mừng thầm, vì trong chuyến đi vừa qua, chúng đã thu được nhiều kinh nghiệm, tầm con mắt mở rộng. Vương tuyên chỉ:

- Bảo-Hòa luận đúng. Nhật-Hồ lão nhân là con cáo già. Ta ước tính, nếu chúng nổi loạn, ắt chúng không nổi ở Thăng-long. Tại Thăng-long chúng sẽ xui các vị vương đem quân vào Hoàng-cung tranh ngôi vua với Khai-Thiên-vương. Trong khi đó chúng tìm cách ngăn đường tiến quân của Bắc-biên về. Còn chúng, chúng sẽ nổi loạn ở phía Nam. Ba mục tiêu chính, chúng phải chiếm là tổng đường phái Đông-a, Vạn-thảo sơn trang và Vạn-hoa sơn trang. Ta đã thư cho ba nơi đề phòng rồi. Trong khi đó ta lệnh cho Ngô An-Ngữ tuần tiễu cẩn thận Trường-yên.

Vương nói với Bảo-Dân:

- Sư huynh cùng Khấu sư tỷ với Thanh-Mai lấy thuyền vượt biển về giúp An-Ngữ trấn Trường-yên. Vì ta sợ quân của Đàm Toái-Trạng với lực lượng Hồng-hương thiếu niên quá đông đảo. Sư huynh Ngô An-Ngữ không đương nổi. Bằng như khi sư huynh về tới nơi, chúng đã nổi loạn rồi, thì lấy lực lượng Thiên-trường giải vây cho Trường-yên, rồi đánh trở xuống Nam bắt tay với lực lượng của Vạn-hoa và Vạn-thảo.

Vương nói với Thông-Mai:

- Đại huynh cùng Bảo-Hòa, Lê Văn giả trang lẻn về Thăng-long, ẩn ở trong Hoàng-thành, để đề phòng bọn Hồng-thiết giáo ám hại hoàng tộc. Trong trường hợp các vương làm phản, ắt họ dồn hết gia tướng, gia binh công thành, phủ đệ của họ bỏ trống. Sư huynh với Bảo-Hòa điều khiển hệ thống tế tác của Đông-a, của Khu-mật viện đánh chiếm phủ đệ của họ, hầu gây hoang mang cho gia tướng, gia binh các vương.

Vương nói với Thuận-Tông, Thiện-Lãm:

- Hai em trở về nắm vững lực lượng Phong-châu, Thượng-oai. Nếu Thăng-long có biến thì cùng Thiệu-Cực kéo quân về ngay. Khi về tới sông Hồng sẽ có thủy quân của ba hạm đội chở vào Thăng-long.

Vương nói với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Tôn Đản:

- Còn chúng ta với Ngô tiểu thư thẳng đường về Đại-Việt. Chúng ta làm cái bia cho bọn Hồng-thiết giáo theo dõi.

Cơm chiều xong, mọi người âm thầm lên đường trước. Khai-Quốc vương từ biệt Tư-mã Trường-sa rồi cùng Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Tôn Đản, Ngô Cẩm-Thi lấy ngựa thẳng đường về Nam.

Một hôm sứ đoàn về tới Nam-quan, ngựa đang phi như bay thì từ phía trước có đám bụi bốc lên. Mỹ-Linh tinh mắt, nàng la lớn:

- Có đoàn người đang đuổi theo một kị mã.

Tôn Đản hô mọi người dấu ngựa vào sau ngôi đền, rồi núp vào bụi cây chờ đợi. Công việc vừa xong thì đoàn người ngựa đuổi nhau đến gần. Kị mã phi phía trước dường như bị thương, y nằm trên lưng ngựa, tay ra roi. Còn đám đuổi phía sau tất cả chín người, được điều khiển bởi một phụ nữ già.

Đoàn người tới gần, Thiệu-Thái nhận ra đám người đuổi thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt, vì chúng choàng khăn đỏ ở cổ. Thình lình kỵ mã phía trước ngồi thẳng người dậy, tay y vung ra sau. Bốn mũi phi trùy từ tay y tung ra. Đám kỵ mã không tránh kịp, bốn người bị trúng phi trùy ngã lộn xuống ngựa.

Mụ đàn bà quát lên một tiếng, tay mụ phóng về trước một viên thép sáng loáng. Viên thép trúng chân ngựa kị mã phía trước. Ngựa đang phi mau, bị hụt chân, ngã lộn đi. Kị mã vọt mình lên cao, y đáp xuống đất an toàn. Đám kị mã phía sau vừa đuổi kịp, chúng bao vây kị mã phía trước lại.

Núp trong bụi cây, Thiệu-Thái nhận ra mụ đàn bà là trưởng lão Lạc-long giáo tên Ngô Bách-Vân, còn kị mã phía trước tên Đào Nhất-Bách. Nhất-Bách nhìn lên trời, thấy cặp chim ưng của Thiệu-Thái, y tự nhủ:

- Đôi chim ưng này dường như của giáo chủ với tiên cô Bảo-Hòa chưởng môn. Như vậy ta không sợ bọn này nữa.

Chàng cất tiếng cười ha hả:

- Mụ Bách-Vân kia! Bình thường ta có coi mụ ra gì đâu. Hôm nay ta bị trọng thương, mụ lấy số đông bao vây ta. Ta dù có chết cũng không phục.

Ngô Bách-Vân nói nhỏ nhẹ:

- Đào sư đệ. Người đường đường là trưởng lão bản giáo. Thế mà giáo chỉ của giáo chủ ban ra, người không tuân hành. Sư đệ ơi! Người to gan lớn mật quá đi. Tuy vậy giáo chủ cũng khoan dung đại độ tha cho sư đệ. Người sai ta đi mời sư đệ về yết kiến người. Vậy mà từ sáng đến giờ sư đệ giết mất hơn mười anh em bản giáo. Bây giờ người bị thương nặng, ta đem sư đệ về thôi.

Nói rồi mụ vung tay một cái, lập tức người Nhất-Bách bao trùm trong đám bụi trắng. Nhất-Bách định nhảy vọt lên tránh, nhưng y đã kiệt sức, nên người vừa lên khỏi mặt đất, lại rơi xuống, y hít phải đám bụi trắng, thân hình lảo đảo rồi ngã ngồi xuống.

Ngô Bách-Vân ra lệnh:

- Đào trưởng lão bị trúng phấn độc, phải hai giờ mới cử động được. Các người đỡ trưởng lão lên mình ngựa cho ta.

Mụ lại chỉ vào bốn giáo chúng vừa bị Nhất-Bách giết:

- Các người đào lỗ chôn bốn người tuẫn giáo rồi hãy đi.

Bốn giáo chúng đỡ Nhất-Bách đặt nằm trên lưng ngựa rồi lấy vũ khí hì hục đào lỗ.

Khai-Quốc vương đưa mắt cho Thiệu-Thái, chàng dùng thượng thừa khinh công vọt ra vỗ tay lên đầu Nhất-Bách một cái, rồi trở về chỗ cũ. Bước chân Thiệu-Thái nhẹ quá, thành ra mụ Bách-Vân cùng bốn giáo chúng đang mải đào lỗ mắt nhìn đi chỗ khác, không thấy chàng. Song Nhất-Bách thì y nhìn rất rõ có người đã hút độc tố cứu y. Vì từ khi luyện Mục-ngưu thiền chưởng, cơ thể Thiệu-Thái đã thay đổi quá nhiều, nên y không nhận ra chàng. Y nghĩ thầm:

- Người này là ai, mà nội công hùng mạnh muốn hơn Thân giáo chủ, bản lĩnh hút độc tố cũng không kém. Trông dáng rõ ra còn trẻ, khuôn mặt như ngọc, phong lưu tiêu sái khác phàm. Thiếu niên như vậy mà sao ta không từng nghe qua bao giờ? Hay y là sư huynh, sư đệ của giáo chủ?

Nhất-Bách nghĩ đến đây y rùng mình một cái, rồi ngồi dậy. Ỷ có người trợ thủ, y cất tiếng cười ha hả.

Mụ Bách-Vân quay lại, thấy Nhất-Bách khỏe mạnh, dường như thuốc không làm gì được y. Mụ sa sầm mặt lại hỏi:

- Đỗ đệ. Người tuy chống được Mê-hồn phấn, nhưng người không thể thoát được tay ta hôm nay đâu.

Nói rồi mụ vung tay định chụp Nhất-Bách. Khai-Quốc vương đưa mắt cho Tôn Đản. Tôn Đản nhặt viên sỏi búng đến véo một cái, trúng huyệt Khúc-trì Bách-Vân. Cánh tay mụ trở thành tê liệt. Mụ ngoác mồm ra chửi:

- Đứa nào đánh...

Ý mụ định chửi: Đứa nào đánh trộm. Nhưng tiếng trộm chưa ra khỏi miệng, thì véo, véo hai tiếng nữa. Một viên sỏi trúng huyệt Hạ-quan, mồm mụ cứng đơ, không mở ra được. Một viên trúng huyệt Dương-lăng-tuyền, hai châm mụ tê liệt. Mụ ngã ngồi xuống bằng hai gối, giống như quỳ trước mặt Nhất-Bách vậy. Bốn giáo chúng còn lại kinh hoàng, chưa biết phản ứng sao, thì bốn viên sỏi bay ra. Kẻ bị trúng huyệt Hoàn-khiêu, người bị trúng huyệt Phong-thị, chân bị tê liệt, ngã lỏng chỏng xuống đất.

Nhất-Bách vội hướng bụi cây hành lễ:

- Không biết cao nhân nào đã cứu tại hạ. Đào Nhất-Bách phái Tản-viên xin muôn vàn cảm tạ. Tại hạ thân bị thương không hành lễ được. Xin cao nhân khoan thứ cho.

Thiệu-Thái từ bụi cây bước ra, chàng hỏi Nhất-Bách:

- Nhất huynh! Thiệu-Thái đây. Cái gì đã xẩy ra?

Nhất-Bách kinh hãi, y há hốc miệng ra:

- Giáo chủ... Giáo chủ thay đổi quá nhiều, thuộc hạ không nhận ra. Sao... sao giáo chủ lại muôn phần đẹp đẽ như thế này ?

- Tự tôi luyện khô-thiền, nên cơ thể dần dần trở thành gầy.

Nhất-Bách cung tay đáp:

- Thuộc hạ nhận được lệnh của sư tỷ chưởng môn Bảo-Hòa bảo phải triệu tập đệ tử, cùng liên lạc với Khu-mật-viện Bắc-biên hầu đề phòng bọn Nhật-Hồ làm loạn. Sau khi anh em tề tựu đầy đủ trên Tản-lĩnh, thì có chỉ dụ của vua Bà Bắc-biên cho biết bệnh tình Hoàng-thượng trầm trọng, trong triều thì Tể- tướng Lý Đạo-Nghĩa đột nhiên không bệnh mà từ trần. Các vương cùng triều thần lại không nghe lệnh Khai-Thiên vương. Vua Bà triệu tập thuộc hạ phải xuống động Giáp họp khẩn cấp. Thuộc hạ vừa xuống đến chân núi thì gặp Ngô Bách-Vân cùng trăm giáo chúng Hồng-thiết. Bách-Vân truyền lệnh của Nhật-Hồ lão nhân cho đệ tử.

Đến đây Nhất-Bách mệt quá, y ngừng lại thở hổn hển. Thiệu-Thái vội đỡ y ngồi dựa dưới gốc cây, rồi để tay lên huyệt Bách-hội, dồn chân khí sang người y. Lát sau, y cảm thấy khoẻ mạnh, khoan khoái vô cùng. Y tiếp:

- Bách-Vân cho biết Nhật-Hồ lão nhân trở lại giang hồ. Lão truyền giáo chúng các nơi khởi binh đồng loạt. Lão sai đệ tử xuất lĩnh anh em phái Tản-viên thình lình đánh chiếm động Giáp, rồi dàn quân ra biên giới đề phòng quân Tống tràn qua. Thuộc hạ không tuân, vì bản giáo nay là Lạc-long giáo, chứ không còn là ma giáo quỷ giáo nữa. Thế là mụ cùng đám giáo chúng bao vây tấn công thuộc hạ. Thuộc hạ chạy ngược lên Bắc. Y thị đuổi theo. Dọc đường đám giáo chúng bị thuộc hạ giết dần, cho đến nay chỉ còn bốn tên. Tuy nhiên thuộc hạ cũng bị thương trầm trọng.

Biết Thiệu-Thái chưa thể ứng phó trong trường hợp này. Khai-Quốc vương vẫy mọi người đồng xuất hiện. Vương đưa mắt ra hiệu cho Mỹ-Linh. Nàng xoa lên cằm Bách-Vân một cái, giải khai huyệt đạo cho y thị. Khai-Quốc vương hỏi Bách-Vân:

- Ngô trưởng lão. Bây giờ Ngô trưởng lão định sao đây?

Ngô Bách-Vân cúi đầu xuống:

- Khải vương gia. Trong đại hội Thăng-long năm trước, Hoàng-thượng ân chỉ đại xá thiên hạ, vì vậy anh hùng không thể giết Nhật-Hồ lão nhân. Trong khi Thân giáo chủ vắng nhà, lão tái xuất hiện rồi dùng Nhật-Hồ độc chưởng khống chế tiểu nhân, nên lão truyền lệnh gì, tiểu nhân đâu dám không tuân theo?

Ngô Cẩm-Thi vỗ vai Bách-Vân:

- Phu nhân. Cho đến giờ phút này, mà phu nhân vẫn còn dối trá vương gia nữa ư? Phu nhân ơi! Nếu như phu nhân bị Nhật-Hồ lão nhân khống chế bằng độc chưởng, thì phu nhân vẫn có thể dùng thuốc để sống qua ngày, chờ Thân giáo chủ về giải cứu kia mà. Thuốc giải của Hồng-thiết giáo Đại-Việt, các trưởng lão đều biết chế cả. Phu nhân là trưởng lão đương nhiên phu nhân biết chế chứ?

Biết đã đến đường cùng, không hổ là một đại ma đầu, Ngô Bách-Vân vẫn chối:

- Cô nương nói thì dễ, nhưng khi đứng trước Nhật-Hồ lão nhân, tính mạng như treo sợi tóc, hỏi ai dám chống mạng lệnh lão?

Mụ quay lại nói với Khai-Quốc vương:

- Xin vương gia cho tiểu nhân đới tội lập công. Tiểu nhân nguyện đi tiêng phong dẫn đường cho vương gia tiêu diệt bọn Hồng-thiết giáo.

Tôn Đản tự hiểu thân thế Khai-Quốc vương cao quý biết mấy, người không thể hỏi cung nữ ma đầu này. Còn chàng thì chưa đủ kinh nghiệm đối phó với y thị. Phải chi có Thanh-Mai, Bảo-Hòa đây thì thừa sức bắt y thị khai hết những bí mật về Hồng-thiết giáo. Chàng đưa mắt cho Ngô Cẩm-Thi. Ngô Cẩm-Thi hiểu ý Tôn Đản, nàng nói với Thiệu-Thái:

- Thân huynh. Mụ này là trưởng lão Lạc-long giáo, nay đã phản giáo đi với ma đầu Nhật-Hồ để hại dân. Vậy đại ca để tiểu muội giết thị quách đi cho rồi.

Thiệu-Thái định lên tiếng ngăn cản Cẩm-Thi, nhưng chàng chợt thấy mắt Cẩm-Thi nháy mấy cái. Động tâm linh, chàng vờ thở dài:

- Sự việc đã như thế này, thì tùy Ngô tỷ tỷ định đoạt.

Ngô Cẩm-Thi túm áo mụ Ngô Bách-Vân xách lên, đưa vào khu vườn gần đó. Nàng rút kiếm ra chỉ vào mặt Bách-Vân:

- Ngô phu nhân, người có gì muốn nói trước khi về với thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh không?

Ngô Bách-Vân bở vía, mụ năn nỉ:

- Tiểu thư, xin tiểu thư dung tình, tôi xin khai hết.

- Phu nhân nói đi.

- Nhật-Hồ lão nhân định tổ chức cuộc nổi dậy, để lão lên làm vua. Trước kia thì Vũ Nhất-Trụ cản trở, vì quyền trong tay Lê Ba. Ngược lại bây giờ Nhất-Trụ lại hân hoan vô cùng. Y cho rằng chẳng bao lâu nữa lão chết. Y là đại đệ tử, đương nhiên lên kế nghiệp. Cuộc nổi dậy tổ chức rất chi tiết. Trước hết họ xui chư vương nổi loạn, rồi nhân đó xen vào, cướp quyền. Họ đã đánh thuốc độc Hoàng-thượng.

Khai-Quốc vương, Mỹ-Linh cùng kêu lên tiếng ái chà.

- Họ biết rằng trước khi ngự trù dâng lên món gì, đều có ngự-y nếm trước, cho nên họ không dùng thứ thuốc làm chết người. Họ biết Hoàng-thượng thích hoa huệ, nên họ bỏ vào thức ăn một thứ thuốc không hương, không sắc, không vị. Ngự-y nếm vào thấy như thường. Nhưng Hoàng-thượng ngự vào, khi về tẩm thất ngửi mùi hoa huệ. Hương hoa huệ với thứ thuốc trong cơ thể Hoàng-thượng, sẽ thành chất độc. Thứ chất độc này làm Hoàng-thượng nhức đầu. Cứ như vậy Hoàng-thượng trúng độc ngày càng nặng. Trong vòng bốn mươi ngày thì trúng phong, bán thân bất toại. Trong khi bán thân bất toại, Hoàng-thượng vẫn ăn phải chất độc, ngửi mùi hoa huệ, thế là băng hà.

Mỹ-Linh hỏi:

- Kể từ lúc trúng độc đến lúc băng hà khoảng bao nhiêu ngày?

- Vũ Nhất-Trụ nói từ bốn mươi đến sáu mươi ngày.

- Phu nhân có biết họ bắt đầu đánh thuốc độc từ bao giờ không?

- Từ hôm tết Nguyên-đán.

Mỹ-Linh kinh hoảng:

- Như vậy hôm nay đã bốn mươi ngày rồi.

Cẩm-Thi dục:

- Phu nhân tiếp cho.

- Nhật-Hồ lão nhân rất sợ mười đạo Thiên-tử binh. Tướng chỉ huy các

đạo này đều do Khai-Quốc vương đào tạo. Vương lại ra lệnh: Trong khi vương vắng nhà các tướng chỉ tuân lệnh của đại sư Huệ-Sinh với Tạ Sơn. Lão nghĩ cách làm sao cho các đạo binh đánh lẫn nhau. Có như vậy lão mới hy vọng chiếm được kinh thành Thăng-long.

Khai-Quốc vương gật đầu, tỏ ý hiểu mưu của Nhật-Hồ lão nhân:

- Đối với vấn đề này, lão làm cách nào để các đạo binh đánh nhau?

- Lão biết các vị thân vương đều muốn làm vua. Vì vậy vị nào cũng khuất thân tuyển các cao thủ, cùng chiêu mộ giáp binh, để mai sau dùng đến. Lão cho những cao thủ Hồng-thiết giáo mà đời chưa biết đến âm thầm ứng tuyển vào phủ thân vương. Thành ra hiện những gia tướng trong phủ các thân vương đều là đệ tử Hồng-thiết giáo. Những gia tướng nào không phải của Hồng-thiết giáo sẽ bị Hồng-thiết giáo gây cho bị nghi ngờ, rồi bị giết. Hoặc họ dùng Chu-sa độc chưởng khống chế.

Mỹ-Linh lắc đầu rùng mình.

- Đám gia tướng dần dần chiếm được lòng tin của các thân vương. Họ xui các thân vương thu dụng đám trưởng lão Lạc-long giáo. Hiện mỗi thân vương đều có một trưởng lão cầm đầu gia tướng. Nhật-Hồ lão nhân lệnh cho đám gia tướng trong phủ thân vương khích bác, đánh lẫn nhau, hầu chia rẽ các thân vương. Các trưởng lão thì bầy mưu cho các thân vương tranh cạnh, tìm dịp chiếm ngôi vua.

Mỹ-Linh hỏi:

- Ai khuyên Hoàng-thượng trao các đạo binh cho thân vương?

- Dực-Thánh vương. Khi Hoàng-thượng lâm bệnh. Vương tâu rằng: Khai-Quốc vương vắng nhà, mà mười đạo binh giao cho Thái-tử thiếu phó, Phiêu-kị đại tướng quân Dương Bình e nguy quá. Dương Bình tuy là người trung thực, võ công vô địch, nhưng dầu sao cũng là đại đệ tử của Hồng-sơn đại phu. Thảng hoặc có lòng nào thì mình trở tay không kịp. Để đề phòng, nên trao cho mỗi thân vương lĩnh một đạo.

Mỹ-Linh ngắt:

- Phân chia những đạo nào cho ai?

- Hai đạo Ngự-long giao cho Khai-Thiên vương. Hai đạo Quảng-thánh giao cho Dực-Thánh vương. Hai đạo Quảng-vũ giao cho Vũ-Đức vương. Hai đạo Bổng-nhật giao cho Đông-Chinh vương. Hai đạo Đằng-hải giao cho Vũ-Uy vương.

Khai-Quốc vương kinh hãi hỏi:

- Thế còn Cấm-quân, cùng Thị-vệ thì giao cho ai?

- Không thay đổi. Thị-vệ vẫn do Tả-kim-ngô thượng tướng quân, quản Khu-mật viện Tạ Sơn trực tiếp. Cấm-quân thì trao cho Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa.

Tôn Đản hỏi:

- Đối với các phái, Nhật-Hồ lão nhân có mưu đồ gì không?

- Có lẽ có, nhưng lão nhân gia không cho tôi biết. Riêng phái Tản-viên, lão sai tôi tìm cách khống chế. Thảng hoặc khống chế không được, thì ít ra cũng làm cản trở việc tiếp viện cho vua Bà Bắc-biên. Lão nhân gia cho rằng Bắc-biên ở xa xôi, quân sĩ lại ô hợp, chỉ cần chiếm được Thăng-long rồi ban một tờ chỉ là xong.

Khai-Quốc vương bảo Thiệu-Thái:

- Cháu giải khai huyệt đạo cho Ngô phu-nhân cùng mấy giáo chúng này. Ta phải trở về Thăng-long khẩn cấp, trước khi Nhật-Hồ lão nhân phát động cuộc phản loạn.

Vương nói với Ngô Bách-Vân:

- Ngô phu nhân. Nếu quả đúng như lời phu nhân nói, phu nhân theo Nhật-Hồ lão nhân chẳng qua vì bị khống chế. Cô gia tạm tin như vậy. Bây giờ phu nhân hãy cùng cô gia dẹp loạn. Mọi việc xong xuôi, Thiệu-Thái sẽ giải độc chưởng cho phu nhân.

Mọi người cùng lên ngựa phi như bay, chỉ mấy giờ sau về tới gần núi Tản. Xa xa có đám bụi bay lên mờ mịt. Mỹ-Linh tinh mắt, nàng nói lớn:

- Phía trước có một đạo quân đang đi cùng chiều với chúng ta. Trên đầu có mấy đoàn chim ưng bay theo hộ tống, trinh sát. Dường như là quân của khê động, vì họ mặc y phục mầu xanh.

Tôn Đản, Cẩm-Thi vọt ngựa lên trước. Hơn khắc sau, hai người đã nhìn rõ đạo quân đó ước khoảng hơn nghìn người. Tuy là quân khê động, nhưng hùng tráng vô cùng. Đám chim ưng đang bay lượn, thì một đội hơn mười con tách khỏi hàng bay là là trên đầu Tôn Đản, rồi chúng ré lên như báo động. Đạo quân dường như nhận biết có người phi ngựa sắp tới. Một toán mười người đi sau cùng dừng lại, dàn ngang ra đường, người chỉ huy cỡi trên bành voi cầm cờ phất phất ra hiệu cho Tôn Đản, Cẩm-Thi dừng vó.

Tôn Đản hỏi:

- Anh em thuộc Khê-Động nào?

- Phong-châu. Đản, đằng ấy không nhận ra tớ sao? Tớ là Hoàng Tích đây.

Nói rồi Hoàng Tích tung mình khỏi bành voi, nắm tay Tôn Đản. Tôn Đản nhận ngay ra y là người tranh chức châu trưởng Phong-châu hồi trước. Tôn Đản ôm chầm lấy Hoàng Tích, chàng nói theo lối Bắc-cương:

- Ôi, đằng ý nhớn thế này rồi à. Mình nhận không ra, tưởng ông tướng nào?

Hoàng Tích mở bầu rót rượu mời Tôn Đản, Cẩm-Thi:

- Thuận-Tông trở về, suốt ngày kể chuyện đi sứ, nghe hoài mà không chán. Bà chị đây hả? Thuận-Tông khen bà chị hết lời, nào xinh đẹp, nào võ công cao, nào văn hay chữ tốt.

Tôn Đản, Cẩm-Thi bưng rượu uống, đó là thứ rượu nấu xong cho vào bình ngâm dưới suối, vì vậy hương thơm ngào ngạt.

Cẩm-Thi nói:

- Chúng tôi thuộc sứ đoàn sang Tống, trên đường hồi quốc. Các vị mau chuẩn bị đón Khai-Quốc vương. Người sắp tới. Hoàng Tích ra hiệu cho một thanh niên, tuổi khoảng hai mươi, dáng người hùng vĩ, da ngăm đen. Anh ta cầm tù và rúc lên một hồi, rồi nói:

- Xin hai vị chờ một lát, châu trưởng của chúng tôi sắp tới.

Từ phía trước đạo quân, một kị mã quay ngựa trở lại, y chính là Lê Thuận-Tông. Tôn Đản hỏi:

- Thuận-Tông, đem quân đi đâu đây?

Lê Thuận-Tông thấy Tôn Đản, Cẩm-Thi thì mừng rỡ ra mặt:

- Em được chỉ dụ của mạ mạ bảo tập hợp bản bộ quân mã Phong-châu tiến về Thăng-long. Tình hình nguy lắm rồi. Anh cả đâu?

- Ta đây. Ta muốn gặp vua Bà.

- Em đi tiên phong. Đạo thứ hai của Hà Thiện-Lãm. Đạo thứ ba của Nùng Tồn-Phúc. Mạ mạ với anh Thiệu-Cực đi sau cùng.

Tôn Đản trao mụ Ngô Bách-Vân với bốn giáo chúng cho Hoàng Tích. Hoàng Tích sai mấy kị binh đem bỏ vào cũi mang về Thăng-long.

Mỹ-Linh hỏi:

- Tình hình ra sao, mà Bắc-biên phải kéo quân về như vậy?

- Mạ mạ cho biết dường như Hoàng-thượng bệnh tình cực kỳ trầm trọng. Hoàng-thượng ban chiếu nhường ngôi cho Khai-Quốc vương. Nhưng nay Khai-Quốc vương đi vắng, thì Dực-Thánh vươngtạm nhiếp chính. Thái giám lĩnh chỉ tuyên gọi các vương vào nghe chiếu chỉ. Vừa lúc đó sư phụ về tới, người nhập tẩm thất trình bầy âm mưu tạo phản của Dực-Thánh vương có từ lâu, nay trao quyền cho vương thì vương không ngần ngại gì mà không cướp ngôi vua. Hoàng-thượng vội giữ chiếu chỉ đó lại, ban một chiếu chỉ mới, triệu Khai-Thiên vương vào trao quyền. Khai-Thiên vương vừa tiếp quyền thì được tin chư vương tụ quân định làm loạn. Vương phải điều hai đạo Ngự-long vào trấn trong thành. Việc vừa êm, thì chư vương xin vào thành thăm bệnh Hoàng-thượng. Các vương dẫn võ sĩ cùng quân theo nhập Hoàng-thành. Quan tổng lĩnh Cấm-quân Lý Nhân-Nghĩa bắt các võ quan cùng chư quân ở ngoài vì sợ có biến. Các vương thì lấy lý do sợ Khai-Thiên vương dùng phục binh giết, nên phải mang theo người hộ vệ.

Khai-Quốc vương cau mặt:

- Như vậy Khai-Thiên vương có lý. Còn chư vương lo sợ bị Khai-Thiên vương hại cũng không phải là điều qúa đáng. Những việc trầm trọng như thế, tại sao Khu-mật viện không báo cho ta biết gì cả?

- Em nghe mạ mạ nói: Mấy hôm nay, người phụ trách điều khiển chim ưng của Khu-mật viện là Nguyễn Duệ với đội ưng-binh, đã bị Dực-Thánh vương bắt giam. Vương ép Duệ sai chim ưng mang tin giả cho anh cùng mạ mạ. Duệ cùng ưng-binh đập đầu vào cột đá tự tử, thành ra không còn chim báo tin tức nữa. Bây giờ chỉ còn chim ưng của Vạn-hoa sơn trang với Trường-yên là xử dụng được. Nhưng mấy hôm nay các nơi này cũng không có tin tức gì. Tin cuối cùng của Khu-mật viện Trường-yên báo cho mạ mạ biết, các vương đem quân vây kinh thành khẩn cấp lắm. Khai-Thiên vương cầu cứu với mạ mạ, nên mạ mạ kéo quân về, mục đích khoa trương thanh thế cho các vương sợ mà lui quân.

- Có tin gì về các phái cùng Vạn-hoa, Vạn-thảo không?

- Em không biết nữa.

Khai-Quốc vương ra lệnh:

- Em từ từ đem quân đi sau. Tuyệt đối cấm giao tranh. Bây giờ chúng ta dùng chim ưng liên lạc với nhau. Thiệu-Thái sai chim ưng truyền tin cho Thông-Mai, Bảo-Hòa rằng: Tuyệt đối nghe chỉ dụ của Hoàng-thượng, phải luôn ở cạnh người.

Vương nói với Mỹ-Linh, Tôn Đản, Cẩm-Thi:

- Chúng ta phải thay y phục, hoá trang để không bị cản đường, hầu về Thăng-long cho mau. Còn Thiệu-Thái, từ khuôn mặt đến hình thể đều thay đổi thì không cần.

Vương bảo Nhất-Bách:

- Huynh trở về tuyển lấy nghìn đệ tử trung kiên, sao âm thầm về Thăng-long liên lạc với chưởng môn Bảo-Hòa, hợp cùng đệ tử Đông-a, khống chế đinh thự các vương, các tướng nổi loạn. Nhất là chặn đường rút lui của các đạo binh phản loạn.

Nhất-Bách trở về Tản-lĩnh.

Năm người dùng ngựa phi như bay. Chiều hôm đó, xa xa đã nhìn thấy kinh thành Thăng-long. Thiệu-Thái truyền lệnh cho chim ưng bay lên trên thành tuần thám. Chàng đứng lên trên lưng ngựa quan sát, bỗng chàng kêu lớn lên:

- Nguy quá, đang có cuộc giao tranh hỗn loạn.

Chàng chỉ cặp chim ưng bay lượn, cùng giải thích những động tác của nó. Khai-Quốc vương truyền lệnh:

- Cháu cho chim ưng tuần thám, tìm cho chúng ta một ngả không có quân cản đường, để vào thành dễ dàng.

Thiệu-Thái cầm cờ phất, gọi chim ưng về, rồi hú lên ra lệnh. Bốn cặp chim ưng bay lượn một lúc, rồi chúng trở về dẫn đường. Chàng nói:

- Cuộc giao tranh đang diễn ra ở cửa Đại-hưng. Còn cửa Quảng-phúc, Tường-phù đều có quân vây. Chỉ cửa Diệu-đức là không có quân.

Cẩm-Thi hỏi:

- Cửa Quảng-phúc ở vào phía nào?

Mỹ-Linh đáp:

- Phía Bắc, ngay bờ sông Hồng.

Mỹ-Linh cau mày thắc mắc:

- Lạ thực, Dực-Thánh hiện làm Đô-đốc thống lĩnh thủy quân. Vương đem quân vây kinh thành, mà sao không xử dụng thủy quân đánh vào cửa Bắc? À, có lẽ thủy quân chống vương rồi.

Trời chập choạng tối, năm người tới bờ sông Hồng. Một cảnh tượng làm mọi người chú ý quan sát: Các chiến thuyền dàn ra thành một hàng dài giữa sông. Trên chiến thuyền đèn đốt sáng chưng.

Ngô Cẩm-Thi hỏi:

- Chị Mỹ-Linh, em nghe nói mỗi hạm đội chỉ có mười chiến thuyền lớn, mười chiến thuyền trung và ba mươi chiến thuyền nhỏ. Đây thuộc phạm vi trấn nhậm của hạm đội Động-đình. Những chiến thuyền trên sông này ắt thuộc hạm đội Động-đình mới phải. Chỉ một hạm đội mà sao chiến thuyền nhiều thế kia?

Tôn Đản quan sát một lúc, chàng đếm chiến thuyền rồi nói:

- Dường như tất cả ba hạm đội đều tụ về đây cả.

Chàng rút trong bọc ra chiếc pháo thăng thiên, đánh lửa châm vào ngòi, vận sức tung lên trời. Chiếc pháo thăng thiên nổ đánh đùng một cái, rồi toả ra hình bông sen sáng rực trên không.

Lập tức từ chiến thuyền giữa sông có chiếc pháo thăng thiên nổ tung trên không, hiện ra hình con chim ưng. Tôn Đản reo lên:

- Đô đốc Đoàn Thông hiện diện ở đây.

Một chiến thuyền trung từ từ tiến vào bờ. Đoàn Thông đứng trên nóc chiến thuyền. Chàng cung tay hành lễ quân cách với Khai-Quốc vương:

- Chào mừng vương gia. Vương gia về vừa đúng lúc. Nếu vương gia về chậm chút nữa e đại cuộc hỏng hết.

Thuyền ghé bờ, Khai-Quốc vương vẫy mọi người bỏ ngựa xuống thuyền. Vương hỏi:

- Sư huynh, tình hình ra sao?

- Bệnh tình Hoàng-thượng thế nào, không ai rõ, vì tẩm cung bị Khai-

Thiên vương phong tỏa. Các vương lấy lý do đó cáo với quốc dân rằng Thiên-vương làm phản, nên các vương phải đem quân về cứu giá, vây kinh thành. Riêng Dực-Thánh vương ra mặt làm phản. Vương bắt Nguyễn Duệ cùng đội ưng binh để truyền chiếu chỉ cùng lệnh giả, nhưng Duệ cùng ưng binh tự tử. Trong khi đó vương ban lệnh cho thần dùng hạm đội Động-đình phong tỏa sông Hồng ngăn không cho quân Bắc-biên cũng như quân Trường-yên, Thanh-hóa về tiếp cứu Khai-Thiên vương.

Thuyền ghé soái thuyền, Đoàn Thông mời sứ đoàn lên soái thuyền. Vừa an tọa, Đoàn Thông trình tiếp:

- Dực-Thánh vương được chính Nhật-Hồ lão nhân, cùng Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường, Hoàng Văn trợ giúp. Trong khi vương đem quân vây kinh thành, thì giáo chúng Hồng-thiết chặn đường tiếp viện từ Trường-yên về cứu Thăng-long. Đúng lúc đó nhị sư huynh Bảo-Dân, sư tỷ Khấu Kim-An, cùng sư muội Thanh-Mai về tới. Ngũ sư đệ Ngô An-Ngữ trao quyền tổng trấn Trường-yên cho sư muội. Sư muội truyền quân sĩ vùng Trường-yên chuẩn bị chờ vương gia về còn tiếp cứu Thăng-long.

Khai-Quốc vương gật đầu hài lòng. Vương hỏi:

- Thế sao hạm đội Âu-Cơ với Bạch-đằng cũng hiện diện ở đây?

- Trước khi khởi loạn mấy ngày chính Dực-Thánh vương chuyển lệnh cho đô đốc chỉ huy hạm đội Âu-Cơ là sư đệ Vũ Minh; đô đốc chỉ huy hạm đội Bạch-đằng là sư đệ Phạm Tuy. Lệnh nói rằng hai sư đệ phải đem hạm đội về Thăng-long khẩn cấp. Khi hai hạm đội về tới Thăng-long, Dực-Thánh vương lệnh cho hạm đội Động-đình đổ bộ lên đánh cửa Bắc, hạm đội Âu-Cơ đổ bộ lên đánh cửa Đông, hạm đội Bạch-đằng đổ lên đánh cửa Tây. Cửa Nam thì do Đông-Chinh vương, Vũ-Đức vương công phá. Còn chính vương thì tổng chỉ huy công thành.

- Nhưng sao sư huynh lại án binh bất động?

- Sư phụ hiện vắng nhà, nên sư thúc Vũ Anh thay thế. Người mới nhận được thư của vương gia bảo phải đề phòng bọn Nhật-Hồ làm loạn. Người cho tập họp đệ tử, trải ra từ Thiên-trường tới Trường-yên. Thanh muội nhờ sư thúc liên lạc với Phạm Tuy, Vũ Minh bảo hai người cứ đem quân về Thăng-long, nhưng chỉ nghe lệnh của vương gia hoặc Thanh muội. Vì vậy cả ba hạm đội dàn ra giữa sông. Dực-Thánh vương phải đổi kế hoạch. Chính vương đánh cửa Tây, bỏ trống cửa Bắc, Đông-Chinh vương đánh cửa Nam, Vũ-Đức vương đánh cửa Đông.

Có quân báo:

- Đô đốc chỉ huy hạm đội Âu-Cơ, Bạch-đằng xin yết kiến Khai-Quốc vương.

Khai-Quốc vương đưa mắt cho Tôn Đản. Chàng hiểu ý ông anh:

- Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, thì chỉ người thân nhất mới đáng tin cậy. Đoàn Thông tuy là sư huynh của Thanh-Mai; chỉ huy hạm đội Âu-Cơ là đệ tử của sư thúc Vũ Anh; chỉ huy hạm đội Bạch-đằng là đệ tử của sư thúc Phạm Hào. Nhưng cả ba đều là người cầm trọng binh dưới quyền Dực-Thánh vương. Cần phải đề phòng.

Chàng ra hiệu cho Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đứng hầu phía sau vương. Còn chàng với Cẩm-Thi ra ngoài xem xét tình hình. Thấy đô đốc Vũ Minh, Phạm Tuy đứng ngoài chờ lệnh. Tôn Đản hỏi:

- Hai vị đô đốc định bái kiến Khai-Quốc vương có truyện gì, xin cho biết trước.

Phạm Tuy chìa ra mảnh giấy nhỏ, chàng nhận ra ngay đó là bút tích của Thanh-Mai:

Lệnh cho đô đốc Phạm Tuy phải án binh bất động trên sông Hồng, tuyệt đối tránh giao tranh, hợp với đô đốc Đoàn Thông, Vũ Minh chờ lệnh Khai-Quốc vương điều động .

Tôn Đản yên tâm mời hai người vào. Hai người hành lễ với Khai-Quốc vương, rồi trình lệnh của vương phi Thanh-Mai. Khai-Quốc vương hài lòng:

- Mời hai sư đệ ngồi. Hai vị nhận được lệnh của sư tỷ Thanh-Mai từ bao giờ?

Vũ Minh trình:

- Anh em thuộc hạ nhận được lệnh của Dực-Thánh vương mang quân về Thăng-long. Nhưng trong khi đang đi đường, thì có sứ giả của phụ thân xin yết kiến rồi mật truyền lệnh này cho. Vì vậy anh em thuộc hạ mới án binh bất động, không tuân lệnh Dực-Thánh vương đánh Thăng-long. Bây giờ gặp vương gia đây, anh em thần xin tuân chỉ vương gia.

Mỹ-Linh hỏi:

- Các vị có tin tức gì về Vũ-Uy vương không?

Đoàn Thông đáp:

- Khải công chúa, hơn tháng trước đây, Vũ-Uy vương được chỉ dụ mang đạo quân Đằng-hải vào tuần phòng biên thùy Chiêm-thành. Hiện vương vẫn đóng quân ở Nghệ-an.

Khai-Quốc vương ra lệnh:

- Sư đệ Vũ Minh cho các chiến thuyền cập bến, dàn quân đối diện với quân của Vũ-Đức vương. Sư đệ Phạm Tuy đổ quân, dàn đối diện với quân của Dực-Thánh vương. Còn sư huynh Đoàn Thông dùng hạm đội tuần trên sông, rồi chở quân của Bắc biên, dàn ra ở cửa Bắc. Ta dùng chim ưng của Phong-châu, Thượng-oai liên lạc với nhau. Nhớ không được tin những lệnh gì truyền miệng, chỉ tin vào bút tích của cô-gia mà thôi.

Vừa lúc đó quân báo:

- Có đạo quân rất hùng tráng kéo cờ Thượng-oai vừa đến Bắc ngạn.

Khai-Quốc vương bảo Đoàn Thông:

- Sư huynh cho thuyền nhỏ đón lạc hầu Hà Thiện-Lãm đến gặp cô gia ngay.

Một lát Hà Thiện-Lãm cùng Lưu Tường, Vi Chấn tới. Khai-Quốc vương nhận ra Lưu, Vi là hai thiếu niên dự tranh châu trưởng với Thiện-Lãm hồi trước. Hai người ước hẹn với Thiện-Lãm rằng hễ ai thắng thì làm châu trưởng. Người bại phải làm phó, cùng hợp tác làm cho châu thêm hùng mạnh.

- Lực lượng sư đệ có bao nhiêu?

- Em có đoàn hổ trăm con, đoàn báo trăm con, chim ưng trăm con, cùng mười thớt voi. Binh sĩ không quá nghìn.

- Được rồi, em đem lực lượng sang sông rồi vào thành, đóng tại trung ương chuẩn bị tiếp ứng các mặt. Nhớ tránh giao tranh. Em dùng thần ưng giúp chúng ta liên lạc.

Vương lấy ra mấy phong thư trao cho Thiện-Lãm:

- Em truyền thư này vào Hoàng-thành cho Khai-Thiên vương, báo ta đã về. Còn ba phong này mời các vị Dực-Thánh, Vũ-Đức, Đông-Chinh vương phải bỏ quân ở ngoài, vào thành họp với ta.

Vương bảo Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Tôn Đản, Cẩm-Thi:

- Chúng ta theo cửa Bắc vào thành.

Tôn Đản dẫn hơn mười chiến sĩ thuộc hạm đội Động-đình đi trước. Một chiến sĩ cầm cờ, có chữ Phụ-quốc thái úy, tả tướng quốc. Một người cầm cây cờ có chữ Khai-Quốc vương. Đến cửa Bắc, thấy quân sĩ phòng vệ uy nghiêm, chàng hướng lên gọi lớn:

- Chư quân mau gọi tướng trấn cửa Bắc ra gặp ta.

Viên đội trưởng lùi xuống, một lát thì Dương Bình với Lê Văn cùng lên cổng thành. Lê Văn thấy Tôn Đản thì reo lên:

- Anh năm. Anh cả đâu?

Tôn Đản chỉ về sau:

- Anh cả sắp tới.

Dương Bình lắc đầu:

- Thế mà Dực-Thánh vương bảo Khai-Quốc vương bị vua Bà Bắc-biên cho quân phục, dùng tên bắn chết rồi.

Vương truyền lệnh phát pháo mở cổng thành, lát sau Khai-Quốc vương tới. Vương lệnh cho Dương Bình:

- Dương huynh nhớ nhé: Quân của Phong-châu sẽ qua sông tiếp ứng trấn cửa Đông. Dương huynh cho họ vào, ta đặt họ dưới quyền Dương huynh.

Vương vào thành, đạo binh Thượng-oai hùng hổ vào theo. Cổng đóng lại. Đạo quân Thượng-oai dàn ra mau chóng trấn trung ương, phòng tiếp ứng các nơi.

Một người từ điện Giảng-vũ phi ngựa tới, cùng với đội thị vệ. Y chính là Tả kim ngô thượng tướng quân Tạ Sơn, quản Khu-mật viện. Phía sau Tạ Sơn có hai người mà vương nhớ nhung ngày đêm: Sư phụ Minh-Thiên, đạo sư Nùng-Sơn tử. Vương cảm thấy mừng run lên được. Vương vội xuống ngựa hành lễ:

- Sư phụ! Nùng đạo trưởng.

Hà Thiện-Lãm thấy Nùng-sơn tử, vội nhảy khỏi bành voi:

- Sư phụ. Lão nhân gia vẫn thường mạnh chứ?

- Ta vẫn mạnh. Con đem quân về tiếp ứng đấy ư? Sao chậm thế? Anh em phái Tản-viên do Nhất-Bách thống lĩnh hơn nghìn cao thủ về tới hôm qua. Tất cả tản vào dân chúng quanh Thăng-long chờ khi dẹp loạn xong, bắt hết dư đảng Hồng-thiết giáo.

Huệ-Sinh nắm tay Khai-Quốc vương:

- Vương gia yên tâm. Tất cả đều tốt đẹp. Tạ sư đệ sẽ trình với vương gia

Khai-Quốc vương hỏi Tạ Sơn:

- Sư đệ. Trông sắc diện sư đệ có hơi mệt. Tình hình ra sao?

- Lê Văn theo Thông-Mai với quận chúa Bảo-Hòa về tới đây đã hai ngày. May nhờ đại sư huynh Dương Bình tổng trấn Thăng-long, các vị ấy mới được vào thành. Đại hiệp Thông-Mai với quận chúa Bảo-Hòa hiện ngày đêm ở cạnh Hoàng-thượng. Em cho Lê đệ theo đại sư huynh Dương Bình tuần phòng kinh thành. Tuy các vương làm loạn, nhưng nhờ có sư phụ với Nùng đạo trưởng giúp đỡ, nên hệ thống tế tác của Khu-mật viện không bị xáo trộn. Sở dĩ quân các vương còn hung hăng, vì Khai-Thiên vương thiếu quyền, thiếu niềm tin của chư tướng.

Vương hỏi Dương Bình:

- Dương huynh là tổng trấn Thăng-long. Dương huynh cho ta biết tình hình phản loạn và tình hình phòng vệ.

- Trước kia thì cả mười đạo quân do thần thống lĩnh. Sau vì Hoàng-thượng bị bệnh, người mới chia cho mỗi thân vương chỉ huy hai đạo. Hai đạo Ngự-long trao cho Khai-Thiên vương. Hai đạo Bổng-nhật trao cho Đông-Chinh vương. Hai đạo Quảng-vũ trao cho Vũ-Đức vương. Hai đạo Quảng-thánh trao cho Dực-Thánh vương. Hai đạo Đằng-hải trao cho Vũ-Uy vương. Khi các vương làm phản thì dùng các đạo quân trực thuộc này công thành.

Thiệu-Thái hỏi:

- Như vậy hai đạo Ngự-long hiện thủ phía trong thành. Ai chỉ huy hai đạo Ngự-long? Còn Cấm-quân với Thị-vệ ra sao?

- Hai đạo Ngự-long do Tả-kiêu vệ đại tướng quân Lý Huyền Sư chỉ huy, hiện đạo Tả Ngự-long trấn cửa Quảng-phúc chống với hai đạo Bổng-nhật do Đông-Chinh vương công hãm. Đạo Hữu Ngự-long phòng cửa Đan-phượng, Đại-hưng chống với hai đạo Quảng-thánh do Dực-Thánh vương công hãm. Còn đạo Cấm-quân do Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa chỉ huy trấn cửa Phi-long, Tường-phù chống với Vũ-Đức vương và hai đạo Quảng-vũ do Đô-thống Nguyễn Khánh chỉ huy. Thị-vệ thì do Tả kim ngô thượng tướng quân Tạ Sơn quản Khu-mật viện chỉ huy, trấn đóng các cung điện.

Huệ-Sinh nói:

- Thiên-tử binh có mười đạo, thì hai đạo đóng ở Nghệ-an, sáu đạo đặt dưới quyền chư vương. Chư vương dùng quân này làm nỗ lực chính tạo phản. Mỗi vương lại được Hồng-thiết giáo, Nguyên-Hạnh viện cho một hai đạo quân nữa. Nguyên-Hạnh theo Nhật-Hồ lão nhân, được lão phong làm trưởng lão. Trong thành chỉ có hai đạo Ngự-long, hợp với Cấm-quân, Thị-vệ. Đúng ra các vương chiếm được thành ngay ngày đầu. Nhưng nhờ hệ thống tế tác của Khu-mật viện hiệu nghiệm, nên thủy-quân không theo làm phản, thành ra cửa Bắc hóa thành phên dậu trấn thành. Kể ra, muốn đánh tan các đạo quân của chư vương, ta cần quân các trấn, thủy quân. Nhưng Khai-Thiên vương chưa đủ uy gọi quân các trấn với thủy quân cứu viện. Bây giờ Vương-gia về đây thì dẹp phản loạn dễ dàng. Nhưng bần tăng đang tìm kế vẹn toàn sao cho không đổ máu.

Khai-Quốc vương biết sư phụ mình trí tuệ vô biên, mà đức từ bi hỷ xả thực hiếm người theo kịp. Vương ghé tai sát vào người sư phụ. Huệ-Sinh tủm tỉm cười dặn dò vương một lúc. Vương nghe xong kính cẩn chắp tay:

- Đa tạ sư phụ cứu khổ cứu nạn.

Có quân báo:

- Đạo binh Phong-châu hơn nghìn người, mười thớt voi, trăm hổ, trăm báo, hơn trăm chim ưng vừa qua sông, đang chờ lệnh vương gia ở cửa Bắc.

Khai-Quốc vương bảo Lê Văn:

- Em ra đón Thuận-Tông vào, bảo ta truyền cho y giúp Lý Nhân-Nghĩa trấn cửa Đông. Nhớ tránh đổ máu.

Một lát, có tiếng voi rống, hổ gầm, beo tru, rồi trên trời một đoàn chim ưng bay rất đẹp. Lê Thuận-Tông ngồi trên bành voi cùng mấy thiếu niên ngang tuổi, trong đó có Hoàng Tích. Chàng cung tay hành lễ với Khai-Quốc vương:

- Em về trễ, mong anh cả tha tội.

Rồi chàng theo Lê Văn dẫn quân về cửa Đông.

Tạ Sơn trình sẽ với Khai-Quốc vương:

- Có tin Dực-Thánh vương bị Vũ Nhất-Trụ kiềm chế. Đô-thống Nguyễn Khánh chỉ huy hai đạo Quảng-thánh theo bọn Nhật-Hồ. Đông-Chinh vương cũng bị Phạm Trạch kiềm chế. Y bắt giam Vũ-kị đại tướng quân Quách Thịnh. Rồi chính y mang quân, giả lệnh Đông-Chinh vương công thành.

Khai-Quốc vương nói nhỏ với Tạ Sơn, Tôn Đản, Cẩm-Thi mấy câu, rồi ra lệnh:

- Dương huynh vẫn tổng chỉ chỉ huy phòng ngự. Hà Thiện-Lãm đem bản bộ quân mã trấn cửa Diệu-đức . Còn quân của Lê Thuận-Tông cho trấn cửa Phi-long, Tường-phù. Lê Văn trấn cửa Quảng-phúc. Ta với Bình-Dương, Thiệu-Thái vào vấn an Hoàng-thượng đã.

Vương cùng hai cháu dùng khinh công hướng cung Long-thụy. Đám vệ sĩ, cùng binh tướng đạo Ngự-long thấy chúa tướng đồng cúi rạp người xuống hành lễ. Vương tới cửa cung Long-thụy, hai thị vệ kính cẩn:

- Xin vương gia dừng bước. Hoàng thượng ban chỉ bất cứ ai muốn vào vấn an phải do tiên cô Bảo-Hòa dẫn đường.

Y lui vào trong, lát sau Bảo-Hòa ra, nàng quên cả hành lễ với cậu:

- Cậu về mau, bằng trễ e không gặp lại ông ngoại.

Vương bước vào tẩm thất. Trong tẩm thất hiện diện đủ ba vị hoàng hậu Tá-quốc, Lập-nguyên, Lập-giáo, cùng Đàm quý phi. Lại có cả đệ nhị đệ tử của Hồng-Sơn đại phu là Hoàng-Giang cư sĩ đang chẩn mạch cho Thuận-Thiên hoàng đế. Khai-Thiên vương ngồi sau long sàng. Thông-Mai ngồi sát bên Hoàng-đế.

Khai-Quốc vương quỳ gối:

- Phụ hoàng. Hoàng nhi đã về đây.

Thuận-Thiên hoàng đế mở mắt ra nhìn vương, rồi ngài cầm lấy tay vương:

- Vương nhi về kịp, ta mừng lắm.

Tiếng nói của ngài rất yếu ớt.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.