Chương trước
Chương sau
"Sinh thần"

'Uống dấm' – Từ này xuất phát từ chuyện của danh tướng tiền triều Phòng Huyền Linh, bởi vì thê tử tình nguyện uống độc dược cũng không đồng ý cho Phòng Huyền Linh nạp thiếp, mà độc này là Đường Thái Tông cho người chuẩn bị dấm chua, vì thế mà thế nhân dùng 'uống dấm' để hình dung việc độc chiếm một phần tình cảm mà khi người khác tham dự vào mà sinh ra ý ghen tị.

(Phòng Huyền Linh nổi danh là một mưu sĩ, sau này làm đến chức tể tướng dưới thời Đường Thái Tông, có công phò trợ Lý Thế Dân lên ngôi. Có một giai thoại kể rằng, khi xưa còn nghèo khó, ông có vợ là Lư thị nổi tiếng xinh đẹp, đức hạnh. Có một hôm ông bị bạo bệnh tưởng như không qua khỏi, thấy vợ còn trẻ nên ông nói với vợ hãy tìm người khác nếu ông không qua khỏi. Lư thị không nói gì, chỉ đi vào trong và tự làm hư một bên mắt của mình để chứng minh bản thân một lòng với chồng, dù ông mất cũng sẽ không lấy ai. Vì hành động này mà ông càng yêu thương và kính trọng bà, dù sau này đã đạt công danh và phú quý thì ông cũng không nạp người thiếp nào.)

Tuy rằng hành vi vừa rồi của Chu Thư khá giống như đang ghen, nhưng vô luận thế nào nàng cũng sẽ không thừa nhận, nàng nói: "Ta chỉ suy nghĩ cho tứ lang thôi, miễn cho sau này gặp ai tứ lang cũng nói như thế, sợ là sẽ rước lấy mầm tai họa."

Kỳ Hữu Vọng cũng không thất lạc, ngược lại lại cười hì hì nói: "Tiểu thư yên tâm, sau này ta chỉ khen tiểu thư thôi, cũng chỉ nói cho tiểu thư nghe!"

Chu Thư nghe xong lời này, chỉ cảm thấy trong lòng là lạ, có một cảm giác thỏa mãn và mừng thầm khi độc chiếm được thứ gì đó.

Loại tâm tư này cho dù thế nào cũng giống như Kỳ Hữu Vọng đã nói, 'ghen', Chu Thư không dám tưởng tượng thêm được nữa, nàng bất độc thanh sắc mà dời đề tài, lại nghĩ đến không bao lâu nữa đã đến sinh thần của Kỳ Hữu Vọng rồi.

Người đương thời khi đến sinh thần cũng không ăn mừng từng bừng, trừ phi đến sinh thần tuổi chẵn, như ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi, đương nhiên, giống như Hoàng đế, Thái hậu thì sinh thần hàng năm đều ăn mừng, vì thế còn cố ý trù hoạch như các ngày lễ như 'Lễ Thiên Ninh, 'Lễ Thiên Thánh'. (Ngày Hoàng đế sinh ra)

Nhân gia bình thường cũng chỉ là người cùng một nhà dùng bữa cơm, trưởng bối tặng lễ vật cho tiểu hài tử thành niên cũng đủ rồi.

Sinh thần hàng năm của Kỳ Hữu Vọng trên cơ bản đều được trưởng bối cho tiền, hoặc ăn một bữa cơm ngon, cũng không có gì khác.

Hơn nữa vốn nàng cũng không quá coi trọng vấn đề này, thế cho nên khi Chu Thư tặng khăn vấn đầu cho nàng, nàng còn tưởng đây là tạ lễ khi nàng tặng trâm cài. Nhưng nhìn đường may của chiếc khăn này dường như không được ngay ngắn cho lắm, ngoại trừ chất vải bên ngoài tốt một chút, nhìn không ra là nhà ai lại bán khăn vấn đầu thế này.



*Khăn vấn đầu

Cũng may Kỳ Hữu Vọng không mở miệng nói đường may này có vấn đề, Chu Thư thấy nàng không ghét bỏ, ngược lại còn vui vẻ rạo rực đội lên, thì thở phào nhẹ nhõm một hơi, nói: "Vốn định chờ đến ngày sinh thần của tứ lang sẽ lại tặng, chỉ là ngày ấy có trà thương ở Phủ Châu đến bàn chuyện mua bán, sợ là không có cách nào tự tay tặng cho tứ lang, nên đành tặng truớc thời gian."

Kỳ Hữu Vọng: "A, thì ra là sắp đến sinh thần của ta!"

Chu Châu nói: "Còn không phải sao? Tiểu thư đều nhớ kỹ ngày sinh thần của tứ công tử đó! vì để may xong khăn vấn đầu này trước, rất nhiều đêm tiểu thư phải đi ngủ rất trễ đó!"

Biết được đây là khăn vấn đầu Chu Thư tự tay may, Kỳ Hữu Vọng cao hứng đến miệng cũng nhanh toét đến mang tai: "Tiểu thư nhớ ngày sinh thần của ta, lại còn may khăn vấn đầu cho ta nữa!"



"Định thiếp nghị thân có ghi ngày sinh tháng đẻ, sao ta quên được?" Chu Thư tận lực xem nhẹ dáng vẻ cười ngây ngô của nàng, bởi vì sợ bản thân cũng nhịn không được mà cười theo.

Về phần khăn vấn đầu này, quả thật là nàng tự tay may, nhưng bởi vì nàng không am hiểu nữ công, cho nên khi may xong khăn vấn đầu này đã bị mẹ nàng ghét bỏ thật lâu.

Vốn nàng nghĩ nên đi mua một cái, nhưng nghĩ đến lúc trước khi bản thân tặng túi hương cho Kỳ Hữu Vọng, Kỳ Hữu Vọng nghĩ là nàng may, giống như là nhận được bảo vật vậy, nàng lập tức gạt bỏ ý nghĩ đi mua, khó có khi thỉnh giáo Trần thị cách may thế nào.

Chu Thư làm hỏng rất nhiều tấm vải mới may ra được một cái khiến nàng tương đối hài lòng.

Trong lòng Kỳ Hữu Vọng có rất nhiều ý nghĩ, nàng hỏi: "Ngày trao đổi với trà thương Phủ Châu đến khi nào thì kết thúc?"

"Có lẽ đến giờ cơm chiều mới về được."

Ánh mắt Kỳ Hữu Vọng xoay chuyển, Chu Thư không biết trong đầu nàng ấy lại nghĩ đến chủ ý nào nữa, thấy nàng ấy không muốn nói, nên cũng không hỏi.

Đến ngày sinh thần của Kỳ Hữu Vọng, nàng ở Kỳ gia ăn trưa cùng người nhà, lại ở viện của Phương thị mở quà của mọi người tặng cho nàng - - Phương thị tặng nàng một phần khế đất, Ngô thị tặng nàng một cây đàn kiểu Phục Hy, Kỳ nhị lang và Quách thị tặng nàng một bộ văn phòng tứ bảo là giấy Tuyên Thành, ngay cả Kỳ tam lang cũng tặng nàng một bức tranh chữ.



*Đàn Phục Hy

Khi người Kỳ gia phát hiện Phương thị tặng đồ cưới cho nàng là - - Vùng đất bên thôn Chử Đình và một vài miếng đất ở nơi khác đều tặng hơn phân nửa cho Kỳ Hữu Vọng, bọn họ cũng không giật mình chút nào, giống như đây đều là nằm trong dự kiến vậy.

Mà ngoại trừ Phương thị, thì Kỳ Thầm cũng mang những tiền lời từ các điền sản của ông cũng đều cho Kỳ Hữu Vọng, tuy rằng còn chưa chính thức hạ văn thư, nhưng người nào cũng biết, đây là gia sản Kỳ Thầm phân trước cho Kỳ Hữu Vọng.

Kỳ nhị lang và Kỳ tam lang cũng không bất ngờ, Kỳ Hữu Vọng cũng là do Ngô thị nói mới biết được, nguyên lai là trước khi đáp ứng hôn sự của Kỳ tam lang thì Kỳ Thầm đã hạ quyết tâm phân chia gia sản trước, chẳng qua còn chưa công bố cho trong tộc biết, cũng không lập ra văn thư, bởi vì một khi lập văn thư, người khác sẽ có thể lấy quy tắc thế tục 'Cha nương không phân gia' để mà đàm tiếu rồi.

Ruộng đất của Kỳ gia có năm sáu chục khoảnh, mà Kỳ Hữu Vọng được phân cũng chỉ mấy khoảnh, tính ra đã là ít rồi. Cho nên Phương thị lấy đồ cưới của bà, như đất rừng, đất ruộng chia hơn phân nửa cho Kỳ Hữu Vọng, người Kỳ gia cũng sẽ không thể nói gì. Ngô thị cũng còn đồ cưới, tất nhiên sau này tất cả cũng là của Kỳ Hữu Vọng.

Kỳ Hữu Vọng từ là tứ công tử Kỳ gia bỗng chốc trở thành tiểu địa chủ ruộng đất vô số, nàng cảm thấy ngoại trừ thu được nhiều tài sản, ra riêng sớm trước thời gian, thì dường như cũng không có gì khác, vì thế nàng lại vô tư vô tâm mà mang một đống nguyên liệu nấu ăn ra khỏi cửa.

Chu viên ngoại và Trần thị biết nàng muốn đến đây, bởi vì nàng đã phái người đến thông báo trước, còn nói muốn ăn lẩu.

Lẩu là cái gì, Chu viên ngoại và Trần thị cũng không biết, nhưng chờ khi nàng đến đây, lại cho người xếp đồ ra, mới biết được thì ra là muốn ăn món nhúng.

Kỳ Hữu Vọng nói: "Trời lạnh phải ăn lẩu mới ngon!"

Trần thị hỏi nàng: "Vì sao gọi là lẩu?"

Kỳ Hữu Vọng nói: "Ta cũng không biết, nghe nói, đại khái là bắt lửa đốt nồi, cho nên gọi là lẩu!"

Từ rất xa xưa đã có món lẩu này, chẳng qua cái tên này được đặt ra tương đối muộn, thời kỳ này mọi người có thói quen nhúng vào nồi để ăn, nhưng lại chưa đặt ra một cái tên cố định.

(火锅 / huǒguō /: Lẩu, lò cù lao (火: lửa, 锅: cái nồi, cù lao). Món ăn này có nguồn gốc từ Mông Cổ. Nhìn theo nghĩa trên mặt chữ là 'nồi lửa' nên như Kỳ Hữu Vọng nói ở trên nên đặt là vậy. Nhưng cái tên này không phải chỉ món ăn mà chỉ dụng cụ để nấu món đó (hình bên dưới). Hình dưới đây là cái nồi lẩu truyền thống ngày xưa, cái ống ở giữa người ta dùng để bỏ than vào để làm nóng nước canh dùng, khi xưa lẩu còn có tên là 'canh cổ'. Người Việt mình gọi là lẩu vì cái tên này có nguồn gốc từ giọng Quảng Đông. Từ 爐 /lú/ (Đây là dạng phồn thể của từ锅 ở trên),người Hoa ở mình dùng từ này nên khi người Việt nghe phát âm ra như là 'lẩu' nên cái tên lẩu ra đời.)



*Nồi lẩu truyền thống

Dưới tình hình chung, người ăn lấy nguyên liệu nào để ăn thì sẽ theo nguyên liệu đó mà gọi tên, tỷ như người đó lấy thịt dê để nấu, thì gọi là 'dê luộc'.

Kỳ Hữu Vọng mang theo chín loại nguyên liệu đến, có chay có mặn, còn có các loại gia vị. Nàng thấy may mắn vì thời kỳ này đã có đậu phộng, khoai tây và ớt xuất hiện, bởi vì có những nguyên liệu này, khi nàng chế biến nguyên liệu có thể tìm về được cảm giác nấu lẩu của đời sau.



Mùa đông trời cũng nhanh tối, mới giờ dậu (17h-19h),trời đã dần dần tối, xe ngựa của Chu Thư chậm rãi dừng trước cửa Chu gia. Nàng nghe nói Kỳ Hữu Vọng đến đây, cũng không thấy kinh ngạc, mà là mang theo tươi cười đi vào nhà.

Trên đại đường, nàng thấy bày ra một cái bàn tròn, trên bàn đặt một bếp lò, trên lò là một cái nồi lớn, mà dưới lò đang đốt lửa than, xung quanh bày đủ các loại nguyên liệu và thịt.

Trong nồi là nước canh trắng đang sôi trào, một mùi thịt xông vào mũi, đồng thời cũng xua tan ý lạnh quanh thân.

"Tiểu thư, mau đến đây ăn đi!" Ánh mắt Kỳ Hữu Vọng long lanh.

Chu Thư cởi áo choàng đưa cho Chu Châu mang cất, lại nhìn cha nương khi đến bên bàn ngồi xuống mà mắt vẫn chưa từng dời khỏi cái nồi trên bàn, nói: "Đây là..."

"Ta mang xương heo đến hầm canh, sau đó nhúng thịt vào, cho thấm đều gia vị, thử xem hương vị thế nào!" Kỳ Hữu Vọng vội kéo chu thư ngồi xuống.

Chu viên ngoại và Trần thị thấy tay hai người để cùng một nơi, Trần thị vừa muốn mở miệng, Chu viên ngoại lại kéo tay áo bà, nên bà cũng không nói câu 'nam nữ thụ thụ bất thân' ra miệng nữa.

Bà âm thầm nói với bản thân, ở đây đều là người trong nhà, hai người cũng gần thành hôn, bà có thể nhắm một mắt mở một mắt.

Sau khi Chu Thư và Kỳ Hữu Vọng ngồi xuống, Trần Tự Tại cũng từ ngoài về, Chu viên ngoại gọi hắn đến cùng ngồi ăn.

Trần Tự Tại cũng không hỏi đến vì sao Kỳ Hữu Vọng lại ở nơi này, mọi người yên lặng ăn, sau khi ăn xong một bữa ăn nóng hôi hổi, cả người đều ấm áp lên, vì thế không khí càng thêm tốt hơn, Trần Tự Tại hỏi Chu Thư: "Hôm nay đi hiệp đàm trà thương, ta nghe nói Hoàng gia bọn họ cũng có trà viên ở Phủ Châu, sao lại muốn đến Tín Châu mua trà?"

Chu Thư nói: "Mặc dù Hoàng gia có trà viên, nhưng bọn họ cũng muốn dùng trà mới để hấp dẫn càng nhiều người mua hơn, cho nên mỗi năm Hoàng gia đều đến kiến an mua trà, hè năm nay đi ngang qua Tín Châu, trên đường nghe được danh Cổ Lương trà, nên sinh ra hứng thú. Đáng tiếc lúc đó là công tử Hoàng gia đến, hắn không thể tự làm chủ, nên trở về thương nghị với đương gia Hoàng gia, gần đây lại tính đặt trà mới của Chu gia cho năm sau."

"Biểu muội đáp ứng rồi sao?"

Chu Thư nhìn hắn, cũng không trà lời trực tiếp: "Chúng ta hiệp đàm rất tốt."

Trần Tự Tại biết bản thân không nên tiếp tục hỏi, đành phải nói qua chuyện khác: "Nghe nói Hoàng gia vốn đã mở rộng kinh doanh trà sớm trước đó vài năm, chỉ vì mười mấy hai mươi năm trước từng vì một chuyện mà bị liên lụy đến, cho nên phải mất nhiều năm mới khôi phục nguyên khí."

Chu viên ngoại nhìn hắn, tựa hồ có chút tò mò, mà Chu Thư cũng chưa nói lời nào, là Trần thị vội hỏi: "Vậy Hoàng gia đã phạm phải chuyện gì? Hiện tại có liên lụy đến Chu gia không?"

Kỳ Hữu Vọng không thích nghe chuyện bát quái, nhưng vì có liên quan đến Chu gia, nàng không thể không vểnh tai nghe.

Trần Tự Tại đè thấp thanh âm, nói: "Nghe nói là chuyện bí mật của Quan gia, lúc ấy Quan gia và thất hoàng tử tranh đoạt ngôi vị Hoàng đế, chi thứ hai của Hoàng gia cưới nữ nhi của Tư pháp thông quân, nhưng tư pháp thông quân lại là quan viên thuộc phe của thất hoàng tử, cho nên sau khi Quan gia đăng cơ thì thất hoàng tử bị thanh trừ, vị Tư pháp thông quân này cũng bị đoạt quan, đại phòng Hoàng gia cũng bị chi thứ hai liên lụy, sinh sống ở Phủ Châu cũng không mấy dễ chịu..." (Quan gia là cách gọi khác của Vua)

(Tư pháp thông quân: Là chức quan phụ trách luật hình sự dưới thời nhà Hán. Đến thời Tống thì phụ trách bàn luật và xử án)

"Cũng may Hoàng gia này còn có một môn nhân thân thích, họ Hạ, Hạ gia này có thông gia với Trương gia, cho nên nể mặt Trương gia, quan lại Phủ Châu mới không đuổi cùng giết tận Hoàng gia. Nhưng thương tổn này của Hoàng gia, cũng mất mười mấy hai mươi năm."

Trương gia Phủ Châu là danh gia vọng tộc ở Lâm Xuyên Phủ Châu, không ai không biết không người không hiểu, nếu so sánh Kỳ gia và Trương gia, thì nội lực vẫn còn kém hơn một chút.

"Biểu ca lợi hại, đến việc này cũng hỏi thăm được." Chu Thư mỉm cười.

Trần Tự Tại cho rằng nàng đang khen hắn, cũng cười nhận lấy: "Dù sao cũng phải buôn bán cùng đối phương, vẫn nên hiểu rõ một chút mới tốt."

Chu viên ngoại hắn giọng một cái, nói: "Bây giờ cũng đều là chuyện quá khứ rồi, hôm nay ta cũng đã gặp Hoàng viên ngoại này, hắn làm người khiêm tốn, dù cho mục đích của hắn là gì, mua trà của Chu gia, thì cũng có lợi cho Chu gia, nếu có thể để danh tiếng của Chu gia Cổ Lương trà tiến thêm một bước truyền bá ra ngoài, đó là song thắng."

Nói xong, ông hỏi Kỳ Hữu Vọng: "Nói như vậy là song thắng, đúng không?"

Kỳ Hữu Vọng gật gật đầu: "Phải, song thắng."

Chu viên ngoại cười nói: "Từ này dùng cũng thật chuẩn!"



Chu Thư ở bên cạnh cũng cười khẽ, toàn gia thoạt nhìn rất vui vẻ hòa thuận, đề tài cũng được dời qua, Trần Tự Tại cảm thấy bản thân không thích hợp để ngây ngốc ở chỗ này, qua một lúc, hắn về phòng mình trước.

Chờ khi Chu Thư và Kỳ Hữu Vọng ăn xong, hai người lại đến nhà bên cạnh của mình đi dạo một chuyến.

Chủ thể kiến trúc của tòa nhà này đã được trùng tu gần xong, chỉ có nhà thủy tạ và tạp viện còn chưa sửa xong, hai ba ngọn đèn được đốt lên ở đằng kia, giúp tòa nhà tăng thêm chút ánh sáng.

Lúc này trăng còn chưa lên, chung quanh yên ắng, Kỳ Hữu Vọng hết nhìn đông lại nhìn tây một hồi, mới lén lút đến gần Chu Thư. Chu Thư biết nàng ấy sợ, len lén cười trộm, hỏi nàng ấy: "Hôm nay tứ lang nhận được lễ vật gì rồi?"

Kỳ Hữu Vọng nói: "Nhận được đàn Phục Hy của nương ta tặng, hôm nào ta sẽ mang đến, tấu một khúc cho tiểu thư nghe! Còn có cha ta và tổ mẫu, cho ta một ít khế đất... Đúng rồi, sau này biệt trang và mảnh rừng ở thôn Chử Đình đều là của ta, ta có thể trồng rất nhiều cây ăn trái ở đó, tiểu thư muốn ăn trái cây nào?"

Chu thư nghĩ nghĩ: "Thanh mai đi, tứ lang thích ăn mứt, thanh mai có thể phơi khô ngâm mật để ăn."

"Vậy thì trồng thanh mai, còn có thể nấu rượu uống!"



*Thanh mai

- -

Sau khi qua sinh thần của Kỳ Hữu Vọng, rất nhanh đã đến mồng tám tháng chạp, mà ngày mồng tám tháng chạp qua đi lại là tân niên. Lúc này trên dưới thành Tín Châu đã náo nhiệt hơn hẳn, rất nhiều người tha hương cả năm đều hồi hương ăn Tết.

Trà viên Chu gia cũng cho những người hái trà nghỉ ngơi mấy ngày, những người không nghỉ cũng có gấp đôi tiền công, vì số tiền công này, những người làm thuê có nhà ở phụ cận đều tích cực lưu lại làm việc, chờ đến đêm lại về nhà cùng người nhà đón giao thừa.

Kỳ Hữu Vọng và Kỳ tam lang cũng bị bắt ở nhà mừng năm mới, Kỳ Thầm cố ý mời nữ kỹ từ gánh hát về biểu diễn, có kịch hài, có xướng vui, còn có múa lụa. nhất là kịch hài này, luôn chỉ có Kỳ Hữu Vọng có thể chọc cười Phương thị cũng cười đến không ngừng.

Qua năm, Kỳ Thầm lại làm Quán lễ* cho Kỳ tam lang, tỏ ý hắn đã lớn, nghĩ đến ngày thành thân của hắn cũng đã gần, Kỳ gia lại bận rộn hẳn lên.

Mùng năm tháng hai, đội ngũ đón dâu của Kỳ tam lang xuất phát từ thành Tín Châu, đi về hướng Dực Dương.

(*Khi trưởng thành, con gái sẽ được làm lễ cài trâm (Kê lễ) và con trai sẽ được làm lễ đội mũ (Quán lễ). Trong nghi thức Quán lễ, con trai sẽ được cha hoặc người lớn trong gia tộc trao cho một chiếc mũ đội đầu. Quán lễ có ý nghĩa chỉ chàng trai đã đến tuổi trưởng thành, có thể gánh vác trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ và quốc gia. Sau khi làm Quán lễ xong thì không phải ai cũng được đội mũ và cũng không thể tùy tiện mang mũ. Bình thường, chỉ bậc sĩ phu quý tộc, các khanh đại phu trở lên mới được mang mũ, còn người dân bình thường, người không có thân phận địa vị thì không được tùy tiện đội mũ.)
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.