Trời vừa rạng, Zorba ngồi dậy trên giường và đánh thức tôi.
- Sếp còn ngủ à? Lão hỏi.
- Có chuyện gì vậy, Zorba?
- Tôi vừa nằm mơ. Một giấc mơ thật ngộ. Tôi ngỡ chúng ta sắp sửa làm một chuyến du lịch đâu đó. Sếp nghe nhé, sếp sẽ tha hồ mà cười. Có một con tàu to bằng cả một thành phố đậu ở hải cảng này. Nó kéo còi chuẩn bị rời bến. Thế rồi tôi từ trong làng chạy ra để kịp lên tàu và tôi mang một con vẹt trong tay. Tôi tới tàu và lên boong. Thuyền trưởng chạy đến. "Vé?" - hắn quát - "Bao nhiêu?" tôi hỏi, rút trong túi ra một tệp giấy bạc. - "Một ngàn drachma" - "Thôi nào, nhè nhẹ tay chứ, tám trăm có được không?" Tôi nói. "Không, một ngàn" - "Tôi chỉ có tám trăm; ông cầm lấy"' - "Đúng một ngàn", hắn nói, "không kém một xu. Nếu không đủ thì xuống khỏi tàu ngay?" Tôi đâm bực. "Này thuyền trưởng", tôi nói, "vì lợi ích của bản thân ông, hãy cầm lấy tám trăm đồng tôi đưa ông đây, bởi vì nếu không, tôi tỉnh dậy bây giờ là ông mất toi đấy!".
Zorba cười phá lên.
- Con người thật là một cỗ máy kỳ lạ! Lão ngỡ ngàng nói. Ta nạp đầy trong nó nào bánh mì, rượu, thịt cá rau quả, mà nó phát ra toàn những tiếng thở dài, tiếng cười và mộng mị. Y như một xí nghiệp vậy. Tôi dám chắc trong đầu chúng ta có một thứ rạp chiếu phim nói.
Đột nhiên lão nhảy ra khỏi giường.
- Nhưng tại sao lại có con vẹt nhỉ? Lão lo âu kêu lên. Tôi mang theo một con vẹt, thế nghĩa là thế nào? A! Tôi e rằng...
Lão không kịp nói hết câu. Một gã đưa tin lùn mập, tóc đỏ hoe, hệt như quỷ sứ hiện hình, lao vào lều. Gã thở hồng hộc.
- Lạy Chúa tôi! Bà già tội nghiệp đang gào thầy thuốc hết hơi! Bà bảo bà sắp chết đến nơi rồi, chắc chắn thế... và lương tâm các ông sẽ bị cắn rứt đấy, bà ấy nói vậy!
Tôi cảm thấy xấu hổ. Trong nỗi đau đớn vì nàng góa, chúng tôi đã quên bẵng người bạn già.
- Bà ấy đang chịu cực hình, tội nghiệp, gã tóc đỏ tiếp tục huyên thuyên. Bà ấy ho rung cả quán trọ. Phải, đúng kiểu ho của lừa! Khoạc! Khoạc! Rung chuyển cả làng xóm.
- Im nào! Tôi nói. Đừng có đùa cợt về chuyện ấy!
Tôi lấy một mảnh giấy và viết mấy dòng.
- Đem bức thư này đến bác sĩ và đừng có đi khỏi trước khi anh tận mắt thấy ông ta phóng ngựa đi, nhé. Hiểu chưa? Thôi đi ngay đi?
Lát sau, tôi cũng lên đường vào làng. Khu vườn vắng teo của nàng góa tỏa hương thơm ngát. Mimiko đang ngồi thu lu trước nhà và nhìn trừng trừng như con chó bị đánh. Nom gã gày rộc, mắt đỏ ngầu và hõm sâu trong hốc mắt. Gã quay lại, trông thấy tôi và vớ một hòn đá.
- Chú làm gì ở đây, Mimiko? Tôi hỏi, đưa mắt nuối tiếc nhìn khu vườn. Tôi nhớ cái cảm giác nhiệm mầu của hai cánh tay ấm áp quấn quanh cổ tôi... một mùi hoa chanh và dầu nguyệt quế. Chúng tôi không nói gì. Tôi hình dung thấy trong ánh chiều chạng vạng cặp mắt đen nồng cháy và hàm răng trắng lấp lánh, nhòn nhọn, đánh bằng lá hồ đào của nàng.
- Tại sao ông hỏi tôi thế? Gã gầm gừ. Đi đi. Đi mà lo việc của ông.
- Chú muốn hút một điếu thuốc lá không?
- Tôi không hút thuốc nữa. Các ông là một lũ lợn! Tất cả các ông! Tất cả bọn các ông.
Gã dừng lại, hổn hển, vẻ như định tìm một chữ mà nghĩ chưa ra.
Vào tới làng, tôi nhìn thấy già Anagnosti chống gậy, mỉm cười nhìn hai con bướm vàng đuổi nhau trên đám cỏ xuân. Giờ đây, già rồi, không phải lo chuyện ruộng đồng và vợ con, ông có thì giờ nhìn ngắm thế giới xung quanh một cách vô tư. Ông thấy bóng tôi đổ trên mặt đất và ngước nhìn lên.
- Ngọn gió tốt lành nào mới sớm tinh mơ đã đưa con đến đây vậy? ông hỏi.
Nhưng chắc ông đọc thấy vẻ lo âu trên mặt tôi và ông nói tiếp, không đợi tôi trả lời.
- Mau đi, con, ông nói. Ta không dám chắc con đến có kịp thấy bà ta còn sống hay không... tội nghiệp!
Cái giường lớn đã dùng bao lâu nay, bạn đường trung thành nhất của mụ, đã được đặt giữa căn phòng bé nhỏ, choán gần hết chỗ. Trên đầu người ca kỹ về già, con vẹt, cố vấn riêng tận tụy của mụ, cúi xuống với chiếc mào xanh, mũ chụp tròn màu vàng, đôi mắt độc ác. Nó nhìn xuống bà chủ nó đang nằm rên và nghiêng cái đầu gần giống đầu người sang một bên, nghe ngóng.
Không, đó không phải những tiếng thở dài nghẹn ngào khoái lạc rất quen thuộc với nó mà mụ thường thốt ra khi làm tình, cũng chẳng phải tiếng gù ghì âu yếm của con bồ câu mái hay những chuỗi cười ré lên. Những giọt mồ hôi lạnh giá chảy trên mặt bà chủ nó, mái tóc như xơ gai - không gội, không chải - dính bết vào thái dương, những cơn co giật trên giường, những cái đó con vẹt mới thấy lần đầu và nó bối rối. Nó muốn kêu, "Canavaro! Canavaro!" song tiếng nó tắc lại trong cổ họng.
Bà chủ tội nghiệp của nó đang rên; bà không ngừng đưa cánh tay héo hon, rệu rã nhấc chăn mền lên; bà ngột thở. Mặt bà không son phấn, hai má sưng húp, người nồng nặc mùi mồ hôi chua và mùi thịt đã bắt đầu rữa.
Đôi giày cao gót méo mó, vẹt đế của bà thò ra dưới gầm giường, trông mà não lòng. Đôi giày ấy còn khiến người ta xúc động hơn cả chính chủ nó.
Zorba ngồi bên giường, nhìn đôi giày, không sao rời mắt đi được. Lão cắn môi để ngăn nước mắt khỏi trào ra. Tôi bước vào và ngồi đằng sau Zorba, nhưng lão không nghe thấy.
Người đàn bà tội nghiệp thấy khó thở; bà bị nghẹn, Zorba với tay lấy một chiếc mũ trang hoàng bằng hoa hồng giả, quạt cho bà. Bàn tay hộ pháp của lão đưa lên đưa xuống rất nhanh và vụng về, như thể lão đang cố quạt cho một mớ than ẩm bùng cháy lên.
Bà kinh hãi mở mắt nhìn quanh. Căn phòng tối om, bà không nhìn thấy ai kể cả Zorba đang quạt cho bà bằng chiếc mũ cài hoa giả.
Xung quanh bà, mọi thứ đều tối tăm và nao lòng; những làn hơi nước xanh xanh bốc lên từ mặt đất, luôn thay đổi hình dạng, tạo thành những cái miệng cợt nhạo, những bàn chân như móng vuốt, những đôi cánh đen.
Bà cắm ngập móng tay vào chiếc gối hoen nước mắt, nước dãi và mồ hôi, kêu lên:
- Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết!
Nhưng hai người khóc mướn trong làng đã nghe phong thanh tình trạng của bà và vừa tới nơi. Họ lẻn vào phòng, ngồi xuống sàn, dựa lưng vào tường.
Con vẹt trông thấy họ bằng cặp mắt tròn thao láo và nó nổi giận, vươn cổ kêu lên: "Canav..." nhưng Zorba hung dữ đập tay vào lồng, khiến nó im bặt.
Tiếng kêu tuyệt vọng lại vang lên lần nữa.
- Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết!
Hai gã thanh niên chưa mọc râu, da rám nắng, thò đầu vào cửa, nhìn thật kỹ người đàn bà ốm. Thỏa mãn, hai cậu nháy mắt với nhau rồi biến mất.
Lát sau, chúng tôi nghe thấy tiếng cục tác hoảng hốt và vỗ cánh phành phạch ngoài sân: có ai đang đuổi bắt gà.
Người khóc mướn thứ nhất, bà già Malamatenia, quay sang đồng bạn.
- Thím đã thấy chúng chưa, thím Lenio, thím thấy chúng chưa? Cái đồ ma đói ma khát ấy, chúng vội vội vàng vàng, chúng sắp vặn cổ lũ gà để ăn thịt đấy. Tất cả bọn vô tích sự trong làng đã tụ tập ngoài sân, chả mấy chốc, chúng sẽ cướp nhẵn nơi này! Rồi quay sang giường người hấp hối:
- Có chết thì chết cho mau đi, bạn tôi ơi, bà sốt ruột lẩm bẩm, hãy từ trần thật nhanh đi cho chúng tôi cũng có cơ may như bọn kia.
- Nói cho đúng chân lý của Chúa, thím Lenio nói cái miệng nhỏ móm mém rúm lại, mẹ Malamatenia ạ, mấy thằng thanh niên nó làm thế cũng phải. "Nếu mày muốn ăn cái gì, hãy ăn trộm, nếu mày muốn có cái gì, hãy đánh cắp". Bà mẹ già của tôi thường bảo tôi như vậy. Chúng ta chỉ cần gào bài lâm khốc cho thật nhanh, vớ lấy vài nắm gạo, ít đường và một cái xoong, thế là chúng ta có thể cầu phước cho hương hồn mụ. Mụ không có cha mẹ, cũng chẳng có con cái, vậy thì ai sẽ ăn lũ gà và thỏ của mụ? Ai sẽ uống rượu vang của mụ? Ai sẽ thừa hưởng tất cả những cuộn chỉ, lược, kẹo bánh và hàng hóa này? Ồ, mẹ còn chờ đợi cái gì mới được chứ mẹ Malamatenia?
- Xin Chúa tha thứ cho tôi , nhưng đời là thế đấy. . . và chính tôi cũng muốn nhặt nhạnh một chút đỉnh!
- Chờ chút xíu, đừng có vội vã quá như thế, mẹ Malamatenie vừa nói vừa nắm lấy tay bạn. Xin thú thật chính tôi cũng nghĩ vậy, nhưng hãy chờ cho mụ nhắm mắt xuôi tay đã.
Trong khi đó, người đàn bà hấp hối lục tìm dưới gối như điên. Vừa cảm thấy mình lâm nguy, bà ta đã lấy từ trong hòm ra một cây thánh giá bằng xương trắng bóng và nhét dưới gối. Bao năm nay, bà đã bỏ quên nó giữa những chiếc áo ngủ rách tã, những mảnh nhung và giẻ vụn dưới đáy hòm. Như thể Chúa Jesus là một phương thuốc chỉ dùng vào lúc ốm nặng, ngoài ra thường vô dụng chừng nào ta còn vui chơi đú đởn, ăn nhậu và làm tình được.
Cuối cùng, bàn tay mò mẫm của bà tìm được cây thánh giá và bà áp nó vào bộ ngực đẫm mồ hôi.
- Jesus thân yêu, Jesus thân yêu của tôi... bà say đắm thốt lên, ghì chặt người tình cuối cùng vào ngực.
Những lời của bà, lẫn lộn tiếng Pháp và tiếng Hy Lạp, rất mông lung nhưng đầy âu yếm và đam mê. Con vẹt nghe thấy tiếng bà. Nó cảm thấy giọng nói đã đổi khác nhớ lại những đêm dài không ngủ trước kia và lập tức sôi nổi lên.
- Canavaro! Canavaro! Nó kêu khàn khàn như con gà trống gáy khi thấy mặt trời lên.
Lần này, Zorba không tìm cách bắt nó im tiếng. Lão nhìn người đàn bà vừa khóc vừa hôn hình ảnh Chúa bị đóng đanh câu rút, trong khi một vẻ dịu dàng bất ngờ lan khắp bộ mặt tàn rữa của bà.
Cửa mở, già Anagnosti lặng lẽ bước vào, mũ cầm tay. Ông đến chỗ người ốm, cúi đầu và quỳ xuống.
- Tha thứ cho tôi, bà thân mến, ông nói, tha thứ cho tôi và cầu Chúa tha thứ cho bà. Nếu đôi khi, tôi đã quá lời thì tại chúng tôi chỉ là lũ đàn ông thô lỗ . . . Tha thứ cho tôi .
Nhưng con người thân thương ấy giờ đang nằm im đắm trong một niềm an lạc khôn tả và bà không nghe thấy già Anagnosti nói gì. Mọi khổ đau của bà đã qua rồi, tuổi già bất hạnh, mọi nhạo báng và điều tiếng nghiệt ngã bà đã phải chịu đựng, những chiều buồn, cô đơn ngồi trơ khấc trên ngưỡng cửa, đan hoài những chiếc bít- tất len dày. Người phụ nữ Paris thanh lịch này, người đàn bà với nét khêu gợi huyền ảo khiến đàn ông không sao cưỡng nổi, mà, trong thời xuân sắc, đã từng tung hứng Tứ Cường trên lòng và được bốn hạm đội bắn súng chào!
Biển xanh biếc màu thiên thanh, sóng lốm đốm bọt trắng, những pháo đài viễn dương nhún nhảy nơi bến cảng, cờ xí đủ màu sắc phấp phới trên mọi cột buồm. Có thể ngửi thấy mùi gà gô quay, mùi cá phèn trên vỉ nướng; hoa quả ướp lạnh đựng trong bát pha-lê được mang tới bàn tiệc và nút sâm-banh bật lên tới trần nhà.
Những bộ râu đen, vàng rơm, hung đỏ và hoa râm, bốn loại nước hoa: viôlét, "ô-đờ côlônhơ", xạ hương, hoắc hương; cánh cửa ca-bin kim loại khép chặt, rèm kéo kín, đèn bật sáng, mađam Hortense nhắm mắt lại. Tất cả cuộc đời tình ái, tất cả cuộc đời đau khổ của bà, ôi lạy Chúa Toàn năng! Tất cả kéo dài không quá một tích tắc...
Từ lòng người này chuyển sang lòng người khác, bà ghì trong vòng tay những bộ đồng phục thêu chỉ vàng, luồn ngón tay vào những bộ râu thơm phức. Tên tuổi họ, bà chẳng nhớ gì hơn con vẹt của bà. Bà chỉ nhớ có Canavaro vì y là người trẻ nhất trong bọn và đó là cái tên duy nhất con vẹt có thể phát âm. Những tên khác phức tạp và khó phát âm, do đó, bà quên hẳn.
Mađam Hortense thở dài não nuột và say đắm ghì cây thánh giá vào mình.
- Canavaro của em, Canavaro yêu dấu của em, bà thì thầm trong cơn mê sảng, áp cây thánh giá vào bộ ngực nhẽo.
- Mụ bắt đầu không biết mình nói gì nữa rồi, thím Lenio thì thầm. Chắc mụ vừa thấy thiên thần hộ mệnh và mụ thất kinh. . . Chúng mình hãy nới lỏng khăn quàng và lại gần đi.
- Sao? Thế thím không sợ Chúa nữa sao? Mẹ Malamatenia nói. Thím muốn chúng mình hờ ngay khi mụ đang còn sống à?
- Hừ, mẹ Malamatenia, thím Lenio khẽ làu bàu, đáng lẽ phải nghĩ tới cái hòm và quần áo của mụ, tới mọi thứ mụ có ở ngoài cửa tiệm, tới gà qué và thỏ trong sân, thì mẹ lại bảo tôi phải chờ cho đến khi mụ thở hơi cuối cùng! Không! ăn cỗ đi trước, tục ngữ bảo thế mà!
Vừa nói mụ vừa đứng dậy và mụ kia hậm hực làm theo. Họ cởi khăn quàng đen, xõa mái tóc bạc lưa thưa và nắm lấy thành giường.
Thím Lenio ra hiệu bằng cách thốt ra một tiếng hú chát chúa đến lạnh xương sống.
- Úúúúúú!
Zorba nhảy chồm lên, túm tóc hai bà già và kéo họ lùi lại.
- Ngậm miệng lại, đồ quạ già! Lão quát. Các người không thấy bà ấy còn sống à? Quỷ tha ma bắt các người!
- Lão già ngu ngốc! Mẹ Malamatenia làu bàu chít khăn lại. Không biết lão ở đâu nhảy ra phá đám, đồ điên!
Mađam Hortense, ngư nữ già lắm nỗi truân chuyên, nghe thấy tiếng kêu chói tai bên cạnh giường, ảo tưởng ngọt ngào của bà tan vỡ; đô đốc hạm chìm, trĩ quay, sâm- banh và những bộ râu xức nước hoa biến mất, bà rơi trở lại giường lâm chung hôi hám, nơi tận cùng thế giới. Bà cố nhổm dậy như định chạy trốn, nhưng lại ngã vật ra và khẽ kêu ai oán.
- Tôi không muốn chết! Tôi không muốn...
Zorba cúi về phía trước và đưa bàn tay to lớn đầy chai sẹo khẽ đặt lên trán bà, gạt những sợ tóc bết trên mặt, cặp mắt chim của lão đầy lệ.
- Bình tĩnh, em thân yêu, bình tĩnh, lão thì thầm. Anh đây, anh là Zorba đây. Đừng sợ.
Và thế là ảo tượng vụt trở lại như một con bướm khổng lồ màu xanh nước biển xòe cánh phủ khắp giường. Người đàn bà hấp hối nắm lấy bàn tay hộ pháp của Zorba, từ từ dang cánh tay quàng lấy cổ lão khi lão cúi xuống. Môi bà mấp máy.
- Canavaro của em, Canavaro yêu dấu của em...
Cây thánh giá tuột khỏi gối, rơi xuống sàn và vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Một giọng đàn ông vang lên ngoài sân.
- Nào! Bỏ gà vào nồi đi, nước sôi rồi!
Tôi ngồi trong góc phòng và thỉnh thoảng lại trào nước mắt. Đời là thế, tôi nghĩ - nhiều màu, nhiều vẻ, tạp nham, hờ hững, đồi bại... tàn nhẫn. Đám nông dân Crete thô sơ này vây quanh người ca kỹ về già từ đầu kia thế giới trôi giạt sang và nhìn bà ta chết với một niềm hoan lạc phi nhân, như thể bà không phải là một con người vậy. Như thể một con chim xứ lạ to đùng bỗng rơi từ trên trời xuống, gãy cánh và mọi người đã tụ tập trên bờ biển cạnh làng để xem nó chết. Một con công già, một con mèo angora già , một con hải cẩu già ốm. . .
Zorba khẽ khàng gỡ tay mađam Hortense ra khỏi cổ mình và đứng dậy, mắt trắng bệch. Lão lấy mu bàn tay lau nước mắt, nhìn người bệnh, nhưng chẳng trông thấy gì. Lão lại giụi mắt và kịp nhìn thấy đôi chân sưng phù bất lực của bà ngọ nguậy trên giường và cái miệng méo xệch đi vì kinh hãi. Bà vật mình một lần, hai lần, chăn mền tuột xuống sàn để lộ cả người bà, mình trần đầy mồ hôi, sưng phù, xanh xao vàng vọt. Bà thét lên một tiếng the thé chói tai như con gà bị cắt tiết, rồi nằm bất động, mắt mở thao láo, kinh hoàng và đờ đẫn không hồn.
Con vẹt nhảy xuống đáy cùng, bíu lấy nan lồng, nhìn Zorba đưa bàn tay to lớn ra vuốt mắt cho bà chủ nó một cách dịu dàng âu yếm khôn tả xiết.
- Nhanh lên, tất cả các người! Mụ ấy đi rồi! Hai bà khóc mướn vừa kêu eo éo vừa nhào tới giường. Họ hú lên một tiếng dài, lắc lư người tới lui, nắm tay lại đấm ngực thùm thụp. Dần dà, động tác chao đảo sầu thảm, đơn điệu này tạo nên nơi họ một trạng thái thôi miên nhẹ, những đau buồn xưa của chính họ tràn ngập tâm trí như thuốc độc, trái tim mở rộng và bài điếu ca trào tuôn.
"Lòng đất không phải chỗ nằm thích họp với người . . ."
Zorba ra ngoài sân. Lão muốn khóc nhưng lại xấu hổ trước mặt phụ nữ. Tôi nhớ có lần lão đã nói với tôi:
"Khóc trước mặt đàn ông thì tôi chả xấu hổ. Giữa đàn ông với nhau, có một sự thống nhất nào đó, phải không? Đó không phải là điều gì nhục nhã. Nhưng trước mặt phụ nữ, một anh đàn ông bao giờ cũng phải chứng tỏ là mình can trường. Bởi vì nếu ta cũng khóc sướt mướt thì những kẻ tội nghiệp kia sẽ ra sao? Sẽ đi đứt thôi!"
Họ lấy rượu vang tắm cho mađam Hortense: bà già khâm liệm mở hòm lấy quần áo sạch thay cho bà, giội lên người bà một chai nước thơm Cologne. Từ những khu vườn gần đó, ruồi nhặng bay tới đẻ trứng vào lỗ mũi, quanh mắt và trên mép bà.
Hoàng hôn xuống. Bầu trời phía tây đượm một vẻ đẹp thanh bình. Những áng mây hồng, xốp nhẹ với đường viền vàng óng, từ từ trôi ngang vòm trời chiều tím sẫm, lúc trông như những con tàu, khi giống đàn thiên nga, lát sau lừa tựa một bầy quái vật huyền hoặc làm bằng bông mộc và lụa xơ. Qua hàng lau sậy trong sân, ánh lên thấp thoáng những lớp sóng biển rập rờn.
Hai con quạ béo từ một cây vả gần đấy bay xuống và đi tới đi lui trong sân. Zorba cáu tiết nhặt một hòn sỏi, đuổi chúng bay đi. Góc sân đằng kia, bọn đầu trộm đuôi cướp đang chuẩn bị một bữa tiệc linh đình. Chúng đã mang cái bàn lớn trong bếp ra, sục sạo tìm bánh mì, bát đũa và dao dĩa. Chúng đã lôi ở dưới hầm lên một hũ rượu, luộc mấy con gà trong nồi. Giờ đây, đói meo và vui sướng, chúng chạm cốc và ăn uống rất ngon lành.
- Cầu chúa cứu rỗi linh hồn mụ! Và tha thứ cho mụ, bất kể mọi việc mụ đã làm.
- Cầu cho tất cả các tình nhân của mụ trở thành thiên thần và chở linh hồn mụ về trời!
- Thử nhìn lão già Zorba mà coi, Manolakas nói. Lão đang ném đá đuổi quạ! Giờ đây lão trở thành ông góa; ta hãy đề nghị lão nâng cốc tưởng nhớ mụ mái của lão! Ê, Zorba! Lại tham gia với bọn này đi, đồng bào!
Zorba quay lại. Lão trông thấy bàn tiệc đầy, những con gà bốc hơi nghi ngút trên đĩa, rượu lóng lánh trong cốc, những gã lực lưỡng da rám nắng ngồi vui vẻ, khăn quàng cổ chít lên đầu, tràn đầy sức thanh xuân.
"Zorba, Zorba?" lão lẩm bẩm. "Hãy vững vàng! Đây là lúc mi phải chứng tỏ cốt cách của mình".
Lão đến chỗ họ, cầm ly uống một hơi, rồi ly thứ hai, thứ ba và ăn một chiếc cẳng gà. Họ hỏi chuyện lão, nhưng lão không trả lời. Lão ăn uống nhanh, nhồm nhoàm ngấu nghiến từng miếng to tướng, từng hớp dài, và lặng lẽ. Lão không ngừng liếc nhìn về phía căn phòng nơi Bouboulina nằm và lắng nghe khúc điếu ca vọng ra qua cửa sổ mở rộng. Thi thoảng, bản lâm khốc dừng lại và người ta nghe thấy tiếng quát tháo như thể nổ ra một cuộc cãi lộn, tiếng mở, đóng tủ buýp-phê và rương hòm rầm rầm và tiếng chân giậm nhanh, nặng nề như đang đánh nhau. Rồi khúc điếu ca lại tiếp tục, đơn điệu, gieo nỗi tuyệt vọng - một âm thanh lao xao nhè nhẹ như tiếng ong bay.
Hai mụ già chạy đi chạy lại trong phòng để thi hài vừa hát vừa ráo riết lục lọi mọi xó xỉnh. Họ mở một tủ buýp-phê thấy mấy chiếc thìa nhỏ, chút đường, một hộp cà phê và một hộp loukoum ( [65] ). Thím Lenio vồ lấy và xí phần cà phê và loukoum. Mẹ Malamatenia giành phần đường và thìa. Tuy nhiên mẹ cũng nhón lấy hai chiếc loukoum bỏ tọt vào mồm và trong một lúc, bài điếu ca đâm nghẹt tiếng âm ư qua thỏi kẹo mềm.
"Cầu cho hoa mưa xuống ngươi và táo rơi vào lòng ngươi. . . "
Hai mụ già khác lẻn vào phòng, nhào tới cái hòm, thục tay vào vơ mấy chiếc mùi soa nhỏ, vài ba chiếc khăn bông, ba đôi tất lụa, một cái nịt tất và nhét vào trong áo lót, rồi quay về phía tử thi làm dấu thánh giá.
Trông thấy hai mụ kia ăn cắp đồ trong hòm, mẹ Malamatenia nổi tam bành.
- Thím cứ tiếp tục, cứ hát tiếp đi, tôi trở lại ngay thôi!
Mẹ hét to với thím Lenio và cũng vục đầu vào hòm đồ.
Những mẩu xa-tanh cũ, một cái áo dài kiểu cũ màu hoa cà, những thiếc dép xăng-đan cổ lỗ sĩ, một cái quạt giấy, một chiếc dù mới màu đỏ thắm và tận dưới đáy, một cái mũ thủy sư đô đốc ba ngạnh. Một món quà do ai đó tặng Bouboulina từ lâu. Ở nhà một mình, đôi khi bà thường đem ra đội và trang trọng ngắm mình trong gương. Có ai lại gần cửa. Mấy mụ già chuồn ra, trong khi thím Lenio một lần nữa bíu lấy giường người thết, đoạn vừa đấm ngực vừa ê a.
" và những đóa hoa cẩm chướng đỏ thắm quanh cổ ngươi..."
Zorba vào, nhìn người đàn bà vừa từ trần, lúc này nằm im, bình yên, vàng khè và phủ đầy ruồi, hai tay khoanh lại, cổ đeo một dải băng nhung nhỏ.
"Một nắm đất", lão nghĩ thầm, "một nắm đất biết đói biết cười nói, biết hôn hít. Một cục bùn khóc bằng nước mắt người. Và bây giờ ra sao?... Ma quỷ nào mang chúng ta tới trần gian và ma quỷ nào bắt chúng ta đi?" Lão nhổ nước miếng và ngồi xuống.
Ngoài sân, thanh niên đang vào vị trí để khiêu vũ.
Gã chơi đàn lia cừ khôi, Fanurio, cuối cùng đã đến. Họ dẹp bàn sang bên, dọn sạch các can dầu parafm, chậu tắm, rổ quần áo, lấy chỗ nhảy.
Các hương mục xuất hiện: bác Anagnosti với cây can dài đầu uốn cong, áo sơ-mi trắng thụng. Kondomanolio béo ục ịch và nhớp bẩn; vị hương sư với một ống đồng đựng mực dắt ở thắt lưng và một quản bút màu xanh cài mang tai. Mavrandoni không có mặt, lão đã vào trong núi sống như một kẻ ngoài vòng pháp luật.
- Rất vui mừng được gặp các con! Bác Anagnosti nói, giơ tay lên chào. Rất mừng thấy các con vui vẻ! Cầu Chúa ban phước lành cho tất cả các con! Nhưng đừng có la... các con không nên la. Người chết có thể nghe, nên nhớ vậy, người chết có thể nghe thấy đó.
Kondomanolio giải thích.
- Chúng ta đến liệt kê tài sản của người chết để chia cho người nghèo. Các con đã ăn uống no say, thế là đủ rồi. Đừng có vơ vét sạch trơn! Liệu đấy! - Lão vung gậy lên không, đe dọa.
Đằng sau ba bô lão, hiện ra một tá phụ nữ rách rưới, đầu tóc xõa xược, chân đất. Mỗi người cắp một cái bị không và đeo một cái giỏ trên lưng. Họ len lén đi vào, từng bước một, lặng lẽ.
Bác Anagnosti quay lại, trông thấy họ và đùng đùng nổi giận.
- Quay lui ngay, lũ Di gan thối thây! Sao? Định càn quét hử? Chúng ta sẽ liệt kê tất cả, từng thứ một, rồi sẽ đem chia thật công bằng hợp lý cho người nghèo. Có quay lui không thì bảo!
Vị hương sư rút ống mực dài khỏi thắt lưng, giở một tờ giấy khổ lớn và tiến đến chỗ cửa hàng, bắt đầu cuộc liệt kê.
Nhưng đúng lúc ấy, một tiếng động đinh tai vang lên như có ai nện vào thùng sắt tây, như thể những hòm cuộn bông đang rơi và cốc tách chạm nhau vỡ loảng xoảng. Và trong bếp, rầm rầm tiếng xoảng chảo, bát đĩa và dao dĩa.
Lão Kondomanolio lao tới, tay vung gậy. Nhưng lão làm gì được? Bà già, đàn ông, trẻ con ào ào qua cửa ra vào, phốc qua cửa sổ, hàng rào, nhảy từ ban công xuống, chộp được cái gì lấy cái ấy - xoong, chảo, nệm, thỏ... Một số tháo cả cửa lớn hoặc cửa sổ khỏi bản lề và vác trên lưng. Mimiko lấy đôi giày cao gót, buộc vào nhau bằng một sợi dây đeo cổ - như thể mađam Hortense cưỡi lên vai gã mà ra đi, nhưng chỉ trông thấy đôi giày của bà.
Ông hương sư cau mày, dắt ống mực trở lại thắt lưng, gấp tờ giấy trắng vẫn trinh nguyên, rồi không một lời và với cái vẻ bị xúc phạm sâu sắc đến phẩm giá, bước qua ngưỡng cửa, đi thẳng.
Bác già Anagnosti tội nghiệp chạy lăng xăng, vừa quát tháo, vừa van xin mọi người dừng tay, vừa vung gậy dọa họ.
- Thật nhục nhã! Thật nhục nhã! Người chết có thể nghe thấy các người đấy, nên nhớ vậy!
- Cháu có phải đi gọi linh mục đến không? Mimiko hỏi.
- Linh mục nào, đồ ngu! Kondomanolio giận dữ nói. Mụ là dân Phú-lãng-xa, mày không bao giờ để ý thấy mụ làm dấu như thế nào ư? Bằng bốn ngón tay. . . như thế này này... quân vô đạo? Thôi, đem chôn mụ đi, cho mụ khỏi xông mùi hôi thối nhức óc chúng ta và làm nhiễm độc cả làng!
- Bà ấy đã bắt đầu đầy đòi, xin thề trước thánh giá!
Mimiko vừa nói vừa làm dấu.
Bác Anagnosti, tiên chỉ trong làng, lắc cái đầu tao nhã.
- Thế thì có gì là lạ, đồ ngốc? Sự thực là con người từ khi ra đời đã đầy dòi bọ mà ta không trông thấy đấy thôi. Khi chúng thấy người ta bắt đầu bốc mùi hôi thối, chúng mới từ trong lỗ bò ra - con nào con nấy trắng hếu, trắng hếu như bọ phó-mát ấy!
Những ngôi sao đầu tiên xuất hiện, lơ lửng trên không, rung rinh như nhưng cái chuông bạc nhỏ, khắp trời đêm đầy chuông ngân.
Zorba hạ con vẹt cùng chiếc lồng của nó treo trên đầu người chết xuống. Con chim mồ côi thu mình trong một góc, khiếp đảm; nó trố mắt nhìn nhưng chẳng hiểu gì hết. Nó rúc đầu vào cánh và co rúm vì sợ hãi.
Lúc Zorba gỡ lồng xuống, con vẹt rướn mình lên, định nói, những Zorba giơ tay chặn lại.
- Im! Lão thì thầm, giọng dỗ dành, im nhé! Đi với ta.
Zorba cúi nhìn mặt người đàn bà quá cố hồi lâu, cổ họng khô se và nghẹn lại.
Lão rạp mình xuống như định hôn bà, nhưng kìm lại.
Đi thôi, lạy Chúa! Lão lẩm bẩm. Lão xách lồng vẹt ra sân. Trông thấy tôi, lão tiến lại.
- Ta đi luôn thôi... lão nắm cánh tay tôi nói nhỏ.
Lão có vẻ bình tĩnh, nhưng môi lão run lên.
- Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ đi con đường ấy. . . tôi nói với lão.
- Thật là một điều an ủi lớn lao! Lão nói, giọng mỉa mai. Ta về đi.
- Khoan một lát, tôi nói. Họ sắp đem bà ấy đi. Chúng ta phải chờ và liệu xem. . . Bác không thể nán lại một phút sao?
- Thôi được... lão đáp, giọng nghẹn ngào. Lão đặt lồng xuống và khoanh tay lại.
Từ phòng người chết, bác Anagnosti và Kondomanolio, đầu trần, bước ra và làm dấu. Theo sau họ là bốn trong số những người khiêu vũ, với những bông hồng tháng Tư còn cài ở mang tai, hoan hỉ, ngà ngà say, mỗi người một góc khiêng tấm cánh cửa trên đó đặt thi hài người đàn bà quá cố. Tiếp đến gã chơi đàn lia, khoảng chục người đàn ông chếnh choáng hơi men và năm sáu phụ nữ, mỗi mụ cầm một cái xoong hoặc một cái ghế.
Mimiko đi sau cùng với đôi giày cao gót vẹt đế đeo ở cổ.
- Sát nhân! Sát nhân! Sát nhân! Gã vui vẻ kêu.
Một ngọn gió nóng, ấm nổi lên và sóng biển đập dồn. Gã chơi đàn lia nâng vĩ - giọng gã tươi mát vang lên vừa hân hoan vừa châm biếm trong đêm nồng ấm.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]