Chuông điện thoại reo. Đồng hồ báo thức chỉ hai giờ bốn phút. Hai giờ bốn phút sáng sớm ngày thứ Hai. Xung quanh tối đen như mực, Tengo đang chìm trong giấc ngủ say. Một giấc ngủ yên bình, không mộng mị.
Thoạt nhiên anh nghĩ đến Fukaeri. Ngoài cô ra, chắc không ai lại gọi điện đến vào giờ này. Hoặc có thể của Komatsu. Anh ta khó mà được coi là người tuân thủ quy tắc thông thường về mặt giờ giấc. Nhưng cách chuông điện thoại reo này không giống như của Komatsu, mà là tiếng chuông dồn dập bức bách, mang tính sự vụ. Huống hồ, anh ta vừa mới gặp Komatsu chỉ vài tiếng đồng hồ trước đó.
Có một cách là cứ vùi đầu ngủ tiếp, mặc kệ cuộc gọi. Thật ra Tengo muốn làm vậy hơn. Nhưng tiếng chuông điện thoại tựa như muốn nghiền nát mọi lựa chọn trên thế gian này. Dường như nó sẽ có thể đổ đến khi trời sáng. Anh leo xuống giường, vấp ống chân vào cái gì đó, lần dò tới chỗ điện thoại, cầm ống nghe lên.
“A lô,” Tengo nói bằng giọng lè nhè ngái ngủ. Thứ đang ở trong đầu anh dường như không phải não mà là rau xà lách đông lạnh. Một số người không biết là không được để rau xà lách đông lạnh. Một khi đã đông lại rồi, khi rã đông sẽ mất đi cảm giác giòn rụm trong miệng. Mà cảm giác này lại chính là thứ tuyệt vời nhất của món rau xà lách.
Khi áp ống nghe vào tai, anh nghe thấy tiếng gió thổi. Một cơn gió mát lùa qua khe núi hẹp, khiến đàn hưu xinh đẹp đang cúi mình uống dòng nước trong veo hơi dựng lông lên. Nhưng thực ra đó không phải tiếng gió, mà chỉ là tiếng thở của người bị máy móc khuếch đại lên.
“A lô,” Tengo lặp lại. Có thể là một trò đùa, cũng có thể đường dây điện thoại có vấn đề.
“A lô,” một giọng nói cất lên. Một giọng nữ không quen thuộc với anh. Không phải Fukaeri, cũng không phải người tình hơn tuổi.
“A lô,” Tengo nói, “tôi là Kawana.”
“Anh Tengo,” người kia nói. Rốt cuộc cũng bắt đầu đối thoại rồi, nhưng Tengo vẫn chưa biết đối phương là ai.
“Cho hỏi ai đấy ạ?”
“Adachi Kumi,” đối phương trả lời.
“À, là cô à,” Tengo nói. Là cô y tá trẻ Adachi Kumi ở trong căn hộ có thể nghe thấy tiếng cú mèo kêu. “Có chuyện gì vậy?”
“Anh đang ngủ?”
“Ừm,” Tengo trả lời, “còn cô?”
Một câu hỏi vô nghĩa. Người đang ngủ đương nhiên không thể nào gọi điện thoại. Sao lại hỏi một câu ngu xuẩn như vậy nhỉ? Nhất định là mớ rau xà lách đông lạnh trong đầu mình đang giở trò rồi, Tengo thầm nghĩ.
“Em đang trực,” cô trả lời, sau đó đằng hắng một tiếng, “ông Kawana vừa qua đời rồi.”
“Ông Kawana qua đời rồi,” Tengo không hiểu gì, lặp lại một cách máy móc. Chẳng lẽ có người đang báo với anh rằng anh đã chết?
“Cha anh Tengo vừa mới trút hơi thở cuối cùng,” Adachi Kumi đổi cách diễn đạt khác.
Tengo chuyển ống nghe từ tay phải sang tay trái chẳng để làm gì cả. “Trút hơi thở cuối cùng,” anh lặp lại.
“Lúc hơn một giờ, em đang ngủ lơ mơ trong phòng ngủ thì tiếng chuông gọi vang lên. Đấy là chuông trong phòng cha anh. Cha anh vẫn luôn ở trong trạng thái hôn mê, không thể nào tự ấn chuông được. Em lấy làm lạ, nhưng vẫn lập tức chạy sang. Nhưng lúc em sang đến nơi thì ông ấy đã ngừng thở rồi, cũng không còn mạch đập nữa. Em vội đánh thức bác sĩ trực, bọn em đã cố gắng cấp cứu, nhưng không có tác dụng.”
“Nói vậy là bố tôi đã ấn chuông?”
“Chắc vậy. Vì làm gì có người nào khác ấn chuông đâu.”
“Nguyên nhân cái chết là gì?” Tengo hỏi.
“Em không nói chắc được. Nhưng hình như là không đau đớn. Thần thái ông ấy bình thản lắm. Biết nói thế nào nhỉ, giống như mùa thu sắp qua, rõ ràng không có cơn gió nào, nhưng một chiếc lá lại rơi xuống, cảm giác của em là như thế đấy. Nói vậy có lẽ không được thích đáng lắm.”
“Không có gì là không thích đáng cả,” Tengo nói, “tôi thấy nói vậy cũng được.”
“Anh Tengo, hôm nay anh có đến được không?”
“Tôi nghĩ là được.” Thứ Hai này lớp của anh ở trường dự bị sẽ bắt đầu lại, nhưng so với việc cha anh qua đời, chuyện này không còn quan trọng nữa.
“Tôi lên chuyến tàu nhanh đầu tiên tới đó. Chắc sẽ đến nơi trước mười giờ.”
“Vâng, sẽ phải thực hiện rất nhiều thủ tục đấy.”
“Thủ tục,” Tengo lặp lại, “có cần chuẩn bị trước thứ gì không?”
“Anh là người thân duy nhất của ông Kawana phải không ạ?”
“Đại khái là vậy.”
“Vậy, anh mang theo con dấu chính thức của anh nhé, có khi phải dùng đến. Ngoài ra, anh còn giữ bản đăng kí con dấu không?”
“Hình như có một bản sao.”
“Vậy anh cũng mang luôn đi, phòng khi cần đến. Ngoài ra, em nghĩ không cần gì nữa đâu. Cha anh hình như đã chuẩn bị cả rồi.”
“Chuẩn bị cả rồi?”
“Vâng. Lúc hãy còn tỉnh táo ông ấy đã chuẩn bị sẵn mọi thứ, chi phí cho tang lễ này, quần áo lúc mặc niệm này, thậm chí cả nơi để di cốt nữa. Ông ấy sắp xếp đâu ra đấy, chắc có thể nói là dũng cảm nhìn thẳng vào thực tại.”
“Ông ấy là người như vậy đó,” Tengo dùng đầu ngón tay day day huyệt Thái dương, nói.
“Bảy giờ sáng em tan ca, về nhà đi ngủ. Chị Tamura và chị Omura sáng sớm sẽ đi làm, hai chị ấy sẽ giải thích đầu đuôi với anh.”
Tamura là cô y tá trung niên đeo kính, Omura là cô gài bút bi lên búi tóc.
“Cảm ơn cô đã chăm sóc bố tôi,” Tengo nói.
“Anh khách khí quá,” Adachi Kumi nói. Đoạn, như sực nhớ ra điều gì đó, cô trang trọng bổ sung thêm một câu: “Xin hãy kìm nén đau thương.”
“Cảm ơn cô đã gọi điện thông báo,” Tengo trả lời.
Tengo biết mình không thể ngủ lại nữa, bèn đun nước pha cà phê uống. Sau đó, đầu óc anh ít nhiều cũng tỉnh táo phần nào. Thấy hơi đói, anh liền lấy cà chua và pho mát sẵn có làm bánh sandwhich ăn. Như là ăn trong bóng tối, dĩ nhiên có cảm giác cho thức ăn vào miệng, nhưng vị thì nhạt như nhai sáp nến. Sau đó, anh lấy bảng giờ tàu ra, kiểm tra lại thời gian xuất phát của chuyến tàu nhanh đi Tateyama. Hai ngày trước, trưa hôm thứ Bảy anh vừa từ thành phố mèo trở về, giờ phải quay trở lại đó nữa rồi. Nhưng lần này có lẽ anh chỉ ở lại một hai ngày là xong việc.
Lúc kim đồng hồ chỉ sang bốn giờ, Tengo rửa mặt, cạo râu trong nhà tắm. Anh định dùng lược chải cho phẳng mái tóc rối bù dựng đứng, nhưng không thành công lắm, cũng như mọi lần. Mặc xác nó vậy, đến nơi là sẽ tự xẹp xuống thôi.
Tin cha qua đời không làm Tengo quá xúc động. Anh đã ở bên người cha hôn mê bất tỉnh ấy hai tuần. Lúc đó cha anh dường như đã chấp nhận sự thật rằng ông đang đi về phía cái chết. Đến giờ các bác sĩ vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân khiến ông hôn mê. Nhưng Tengo thì hiểu. Cha anh đã tự quyết định ông cần phải chết, hoặc có thể nói ông đã buông bỏ ý chí để tiếp tục sống. Mượn cách biểu đạt của Adachi Kumi, ông đã tắt đi ngọn đèn ý thức, đóng cửa mọi giác quan, chỉ chờ đợi giây phút giao mùa sắp đến, “như một chiếc lá.”
Tengo bắt taxi ở ga Chikura, mười rưỡi sáng thì đến viện điều dưỡng hai bên bờ biển. Giống như ngày Chủ nhật, hôm nay là một ngày đầu đông bình lặng. Ánh mặt trời mang theo hơi ấm tựa như đang ủy lạo bãi cỏ sắp sửa khô héo trong sân vườn, một con mèo hoa mà anh chưa từng nhìn thấy lần nào nằm ở đó vừa sưởi nắng vừa thong thả chăm chút liếm đuôi. Y tá Tamura và y tá Omura đón anh ở cổng. Hai người lần lượt nhẹ nhàng an ủi Tengo, và anh cảm ơn họ.
Thi thể cha anh được đặt trong một gian phòng không lấy gì làm nổi bật ở một góc không lấy gì làm nổi bật của viện điều dưỡng. Y tá Tamura đi trước dẫn đường. Cha anh nằm ngửa trên chiếc giường có bánh xe, đắp tấm vải trắng. Đây là một gian phòng hình vuông không có cửa sổ, ánh đèn sáng trắng trên trần nhà hắt xuống làm bức tường trắng lại càng trắng hơn. Trên chiếc tủ cao ngang hông người đặt một bình hoa bằng thủy tinh, cắm ba bông cúc, chắc là mới cắm sáng nay. Trên tường treo một chiếc đồng hồ hình tròn, một chiếc đồng hồ cũ kỹ bụi bặm, nhưng chỉ đúng giờ. Có lẽ, sứ mệnh của nó là làm chứng hay gì đó tương tự. Ngoài ra, trong phòng không có đồ đạc hay vật trang trí nào khác. Hẳn là có rất nhiều người chết già từng đi qua gian phòng giản dị này. Lẳng lặng đi vào, rồi lại âm thầm đi ra. Gian phòng này tuy là một nơi chỉ mang tính thủ tục nhưng thấp thoáng bầu không khí trang nghiêm, tựa như đang truyền đạt một sự việc trọng đại nào đó.
Gương mặt cha anh không thay đổi nhiều so với lúc còn sống. Kể cả khi mặt đối mặt với ông ở khoảng cách gần như vậy, anh cũng gần như không có cảm giác rằng người này đã qua đời. Sắc mặt không tệ lắm, chắc đã có người trang điểm cho ông cẩn thận, dưới cằm và trên miệng trơn láng khác thường. Không có nhiều sự khác biệt giữa lúc ông mất đi ý thức nằm hôn mê và lúc ông đã qua đời.
Chỉ là không còn phải nối ống bổ sung dinh dưỡng và xử lý việc bài tiết mà thôi. Có điều, nếu cứ để mặc ông như vậy, nội trong vài ngày xác sẽ thối rữa ra, và rồi sẽ có sự khác biệt to lớn giữa sống và chết. Tất nhiên, trước lúc đó, thi thể sẽ được đưa đi hỏa táng.
Vị bác sĩ mà trước đây Tengo từng trao đổi mấy lần đi tới, trước tỏ ý chia buồn, sau đó giải thích từ đầu đến cuối cha anh đã qua đời ra sao. Tuy ông ta rất tử tế, và tốn khá nhiều thời gian để giải thích, nhưng tóm lại có thể nói là “nguyên nhân cái chết không rõ ràng.” Họ đã kiểm tra đi kiểm tra lại song không tìm ra được vấn đề cụ thể nằm ở đâu. Ngược lại, kết quả còn cho thấy sức khỏe của cha Tengo rất tốt, chẳng qua chỉ mắc bệnh đãng trí của người già. Chết già có vẻ như là định nghĩa gần đúng nhất, nhưng cha anh mới hơn sáu mươi, bảo là chết già thì lại hơi trẻ quá.
“Tôi sẽ khai giấy chứng tử cho cha anh với tư cách bác sĩ điều trị chính,” vị bác sĩ tần ngần nói. “Về nguyên nhân cái chết, tôi định viết ‘hôn mê thời gian dài dẫn đến suy tim’, anh xem thế có được không?”
“Ý ông là, nguyên nhân cái chết của cha tôi thực ra không phải là ‘hôn mê thời gian dài dẫn đến suy tim’, phải vậy không?” Tengo hỏi.
Vị bác sĩ thoáng lộ vẻ lúng túng, “Đúng vậy. Đến phút cuối cùng cũng không phát hiện ra tim ông ấy có vấn đề đặc biệt gì.”
“Nhưng các cơ quan khác cũng không có vấn đề gì cả, phải vậy không?”
“Chính xác,” bác sĩ ngập ngừng nói.
“Nhưng trên giấy tờ cần phải viết rõ nguyên nhân chết, đúng vậy chứ?”
“Đúng thế.”
“Tôi không hiểu biết về chuyên môn, nhưng hiện giờ tim ông ấy đã ngừng đập rồi đúng không?”
“Đương nhiên. Tim ngừng đập rồi.”
“Vậy có thể coi là một dạng suy tim không?”
Vị bác sĩ nghĩ ngợi giây lát. “Nếu tim còn đập mới được coi là bình thường, vậy thì đây đích thực là trạng thái suy tim. Anh nói không sai.”
“Vậy thì cứ viết như anh nói là được rồi. Như thế nào ấy nhỉ? ‘hôn mê thời gian dài dẫn đến suy tim’. Không sao cả, tôi không có ý kiến khác.”
Vị bác sĩ như trút được gánh nặng, nói ba mươi phút nữa sẽ chuẩn bị xong giấy chứng tử. Tengo cảm ơn ông ta. Sau khi bác sĩ ra ngoài, cô y tá đeo kính Tamura ở lại với anh.
“Có cần để cha con anh ở riêng với nhau một lúc không?” y tá Tamura hỏi Tengo. Giọng cô nghe rất thủ tục, dường như đang nói cô chỉ theo trình tự công việc, vì vậy mới hỏi như thế.
“Không. Không cần. Cám ơn cô,” Tengo đáp. Dù ở lại đây một mình với người cha đã chết, anh cũng không có chuyện gì đặc biệt để nói với ông. Lúc ông còn sống hai cha con chưa từng nói chuyện với nhau cho tử tế một lần, nên không thể nào sau khi ông qua đời lại đột nhiên nảy ra chuyện muốn nói được.
“Vậy tôi muốn ra chỗ khác để bàn với anh về một số chuyện tiếp sau đây, không có vấn đề gì chứ?” y tá Tamura hỏi.
Không sao cả, Tengo trả lời.
Trước khi ra khỏi phòng, y tá Tamura quay sang phía cái xác chắp tay khấn khứa gì đó. Tengo cũng làm theo. Con người thường thể hiện một sự tôn kính tự nhiên đối với người chết. Dẫu sao, người đó cũng vừa mới hoàn thành cái công trình cá nhân lớn lao của mỗi người, ấy là việc chết. Sau đó, hai người ra khỏi gian phòng nhỏ không có cửa sổ ấy, đi vào căn tin. Ở đó không có ai, ánh mặt trời rực rỡ chiếu qua ô cửa sổ lớn mở ra khu vườn đối diện. Tengo bước vào trong ánh nắng, thở hắt một hơi dài. Nơi này không còn mùi của người chết nữa. Đây là thế giới của người sống, dù nó không đáng tin cậy và không hoàn mỹ đến đâu.
Y tá Tamura rót trà Hoji[1] nóng hổi vào chén bưng tới. Hai người ngồi đối diện nhau, cách một chiếc bàn, hồi lâu không nói gì.
[1] Một loại trà khô của Nhật Bản, lá trà xanh được sao khô cho thành màu nâu đất.
“Đêm nay anh ở đâu?” y tá Tamura hỏi.
“Tôi định ở lại đây, nhưng vẫn chưa đặt nhà trọ.”
“Hay là anh ở lại căn phòng cha anh vẫn nằm? Đằng nào thì giờ cũng chưa có ai ở đó, lại tiết kiệm được tiền nhà trọ nữa. Nếu anh không thấy ngại.”
“Tôi thì không ngại gì,” Tengo thoáng kinh ngạc, “nhưng mà, làm vậy có ổn không?”
“Không sao đâu. Chỉ cần anh cảm thấy được thì chúng tôi không ai có ý kiến gì. Lát nữa tôi bảo họ dọn giường cho anh.”
“Ừm,” Tengo cất tiếng, “tiếp sau đây tôi cần làm những gì?”
“Sau khi nhận giấy chứng tử ở chỗ bác sĩ điều trị chính, anh đến cơ quan hành chính của thành phố lấy giấy phép hỏa táng, sau đó làm thủ tục xóa hộ tịch. Đây là những việc quan trọng nhất trước mắt. Ngoài ra còn thủ tục cắt lương hưu, chuyển tên tài khoản ngân hàng, những chuyện lặt vặt chắc cũng khá nhiều. Mấy chuyện này anh cứ nói chuyện với luật sư.”
“Luật sư?” Tengo kinh ngạc hỏi.
“Ông Kawana, tức là cha anh, đã bàn với luật sư về các thủ tục sau khi ông ấy qua đời. Nói là luật sư cũng chẳng có gì to tát đâu. Viện điều dưỡng của chúng tôi có lắm bệnh nhân cao tuổi, nhiều người trong số đó không đủ tỉnh táo để đứng ra làm các thủ tục pháp lý, cho nên để tránh gặp rắc rối với pháp luật trong các sự vụ như phân chia tài sản, chúng tôi hợp tác với văn phòng luật sư trong vùng để họ cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật. Kiểu như tìm công chứng viên, viết hộ di chúc ấy. Chi phí cũng không tốn là bao.”
“Cha tôi có để lại di chúc à?”
“Chuyện này anh phải nói chuyện với luật sư. Tôi không tiện nói nhiều.”
“Tôi hiểu rồi. Tôi có thể gặp ông ấy sớm không?”
“Đã liên lạc rồi, chúng tôi mời ông ta ba giờ chiều mai đến đây. Anh thấy thế có được không? Nghe có vẻ như chúng tôi đang thúc anh vậy. Nhưng mà chắc anh cũng rất bận rộn, nên tôi đành tự quyết vậy.”
“Cám ơn cô,” Tengo tỏ ý cám ơn sức làm việc hiệu quả của cô. Không hiểu tại sao, những phụ nữ trung niên mà anh biết người nào cũng đều rất giỏi giang.
“Tóm lại là anh đến ủy ban thành phố trước, làm thủ tục xóa hộ tịch rồi lấy giấy phép hỏa táng mang về đây. Không có thứ ấy thì chẳng làm gì được cả,” y tá Tamura nói.
“Vậy bây giờ tôi phải đến Ichikawa à? Hộ tịch của cha tôi chắc vẫn ở Ichikawa. Nhưng thế thì tôi không thể quay trở lại đây trước ba giờ chiều rồi.”
Cô y tá lắc đầu: “Sau khi chuyển vào sống trong viện điều dưỡng, cha anh đã lập tức chuyển chứng minh thư và hộ tịch đến Chikura rồi. Ông ấy bảo làm thế để ngộ nhỡ gặp chuyện gì khẩn cấp thì sẽ tiện hơn.”
“Chu đáo quá,” Tengo thở dài. Cứ như thể ngay từ đầu ông đã biết mình sẽ chết ở đây vậy.
“Đúng thật,” y tá Tamura đồng tình, “Người như vậy không nhiều. Mọi người đều cho rằng nơi này chỉ là chốn tạm thời. Nhưng kỳ thực...” Cô nói nửa chừng rồi im bặt, lặng lẽ đưa hai tay ra đằng trước, như đang ám chỉ nửa câu nói còn lại. “Tóm lại là anh không phải đến Ichikawa.”
Tengo đươc dẫn vào phòng bệnh của cha. Đây là căn phòng đơn mà cha anh đã trải qua mấy tháng cuối đời. Ga giường đã bị lột đi, chăn và gối không còn đó nữa, chỉ còn lại một tấm nệm có hoa văn. Một chiếc đèn kiểu dáng đơn giản đặt trên bàn, trong tủ âm tường chật hẹp treo năm cái mắc áo không. Trên kệ không còn quyển sách nào, mọi vật phẩm cá nhân của ông đều đã được dọn đi. Nói thì nói vậy, nhưng Tengo không nhớ nổi nơi này từng có vật phẩm cá nhân gì. Anh thả túi xách xuống sàn, đảo mắt nhìn quanh.
Trong phòng vẫn còn mùi dược phẩm, thậm chí cả mùi hơi thở của người bệnh vương vấn trong không khí. Tengo mở cửa sổ cho khí trời tươi mới ùa vào. Tấm rèm cửa bệch nắng đung đưa phơ phất trong gió, như vạt váy dài của nàng thiếu nữ đang nô đùa. Nhìn nó Tengo chợt nghĩ, giá mà Aomame ở đây, nắm chặt tay anh và không nói gì cả, thì thật tốt biết mấy.
Anh đi xe buýt đến ủy ban thị trấn Chikura, chìa giấy chứng tử qua ô cửa sổ, nhận lại giấy phép hỏa táng. Sau hai tư tiếng đồng hồ tính từ thời điểm tử vong là có thể hỏa táng. Anh còn nộp đơn xin xóa hộ tịch, rồi cũng nhận được giấy chứng nhận. Làm thủ tục hành chính tuy mất thời gian nhưng nguyên lý thì đơn giản đến khó tin, không phải nghĩ ngợi gì cả. Chẳng khác gì làm thủ tục báo mất xe. Y tá Tamura dùng máy photocopy trong văn phòng sao các giấy tờ Tengo mang từ ủy ban về, mỗi thứ ba bản.
“Hai rưỡi, trước khi luật sư đến, người của một công ty dịch vụ mai táng tên là Zenkosha (Thiện Quang Xã) sẽ đến,” y tá Tamura nói. “Anh hãy giao cho người đó một bản sao giấy phép hỏa táng. Những việc còn lại Zenkosha sẽ lo liệu tất. Lúc còn sống, cha anh đã bàn bạc xong xuôi với họ rồi, công xá cũng gửi họ cả rồi. Anh không cần phải làm bất cứ chuyện gì. Tất nhiên, trừ phi anh Tengo có ý kiến khác.”
“Không có ý kiến,” Tengo trả lời.
Cha anh gần như không để lại vật phẩm cá nhân nào, chỉ có vài bộ quần áo cũ, vài quyển sách.
“Anh có muốn giữ một món gì làm kỷ niệm không? Nói vậy thôi, chứ thật ra chỉ có một cái máy thu âm có chức năng báo thức, một chiếc đồng hồ đeo tay cũ loại hoàn toàn tự động, một cặp kính lão, có mấy món đó thôi,” y tá Tamura hỏi.
“Tôi không cần gì cả, tùy các cô xử lý,” Tengo trả lời.
Đúng hai rưỡi, người của công ty dịch vụ tang lễ mặc vest màu đen lặng lẽ bước vào. Một người đàn ông gầy gò khoảng ngoài năm mươi tuổi. Mười ngón tay ông ta thon dài, cặp mắt rất lớn, cánh mũi có một mụn cơm màu đen. Dường như ông ta ở ngoài nắng quá nhiều nên khắp cả người, từ trên xuống dưới, thậm chí cả vành tai trên cũng cháy nắng đen sì. Không hiểu vì duyên cớ gì, Tengo chưa từng gặp nhân viên công ty dịch vụ tang lễ nào mà béo mập. Người đàn ông giải thích sơ qua với Tengo về trình tự tang lễ. Ông ta nói năng rất lễ độ, chậm rề rề, như đang ám chỉ: chuyện lần này hoàn toàn không cần gấp gáp.
“Lúc sinh tiền cụ nhà có bày tỏ rằng cụ hy vọng làm một tang lễ đơn giản hết mức có thể. Ông ấy nói chỉ cần liệm xác vào một quan tài đơn giản, dùng được là được, sau đó đưa thẳng đi hỏa táng. Những kiểu như dàn tế, tụng kinh, pháp hiệu, hoa tang, điếu văn... đều miễn hết. Ông ấy cũng không cần một ngôi mộ, chỉ cần đưa di cốt vào nơi đặt tro cốt công cộng nào đó gần đây là được. Vì vậy, nếu anh không phản đối...”
Nói tới đây, người đàn ông dừng lại, đôi mắt to và đen nhìn Tengo như đang trút bầu tâm sự.
“Nếu cha tôi đã mong muốn như vậy, dĩ nhiên tôi không có ý kiến gì khác,” Tengo nhìn thẳng vào đôi mắt đó, nói.
Người đàn ông khẽ gật đầu, hơi cụp mắt xuống. “Nếu vậy, hôm nay coi như đêm thủ linh, di thể sẽ đặt ở công ty chúng tôi một đêm. Vì vậy, giờ xin anh cho phép chúng tôi chuyển di thể về công ty. Một giờ chiều ngày mai, chúng tôi sẽ cử hành lễ hỏa táng ở đài hóa thân gần đây, anh xem thế có được không?”
“Tôi không có ý kiến gì.”
“Lúc cử hành nghi thức hỏa táng, anh cũng có mặt chứ?”
“Tôi sẽ có mặt,” Tengo trả lời.
“Cũng có người không muốn đến, về mặt này anh hoàn toàn tự do.”
“Tôi sẽ đến,” Tengo trả lời.
“Tốt lắm,” người kia như thở phào một tiếng khe khẽ, nói: “Thực sự rất xin lỗi khi đề cập đến chuyện này, nhưng văn bản này về nội dung giống hệt như cái tôi đã cho cụ nhà xem lúc cụ còn khỏe. Nếu anh có thể đồng ý...”
Người đàn ông nói đoạn, liền dùng mười ngón tay dài ngoẵng như chân loài côn trùng nào đấy lấy trong tập tài liệu ra một tờ danh mục đưa cho Tengo. Ngay cả người hoàn toàn không biết gì về nghi thức tang lễ như Tengo cũng có thể nhận ra đây là một lễ tang tương đối rẻ tiền. Tất nhiên, anh không có ý kiến gì khác. Anh mượn chiết bút bi, ký tên lên văn bản đó.
Luật sư đến trước ba giờ một chút, ông ta nói chuyện phiếm với người của công ty tổ chức tang lễ một chút. Một cuộc đối thoại dùng toàn các câu từ ngắn gọn giữa chuyên gia với nhau. Tengo không hiểu mấy họ đang nói gì. Hai người hình như có quen biết. Một thành phố nhỏ. Mọi người chắc hẳn đều biết nhau cả.
Gần nhà để xác có một cánh cửa sau không nổi bật, chiếc xe hòm của công ty tang lễ đậu bên ngoài. Ngoài ghế lái, các cửa kính khác toàn bộ đều sơn đen, trên thân xe đen kịt không có chữ hay ký hiệu gì. Người đàn ông gầy gò ở công ty tang lễ và một trợ thủ kiêm lái xe tóc bạc khiêng cha Tengo lên giường có bánh xe, đẩy tới cạnh ô tô. Chiếc xe được thiết kế đặc biệt, nóc cao hơn bình thường, có một đoạn đường ray để có thể đẩy giường vào trong khoang xe. Cửa sau xe sập lại với một âm thanh đầy vẻ hết lòng vì công việc. Người kia lễ độ khom mình chào Tengo, sau đó xe nổ máy chạy đi. Tango và luật sư, cùng y tá Tamura, y tá Omura thảy đều hướng về phía cửa sau chiếc Toyota ấy, chắp tay tỏ lòng thành kính.
Tengo và luật sư ngồi đối diện nhau trong một góc căn tin nói chuyện. Ông ta khoảng trên dưới bốn lăm. Trái ngược hoàn toàn với người ở công ty tổ chức tang lễ, ông ta béo tròn trùng trục, gần như không có cằm. Giờ rõ ràng đang mùa đông, nhưng trán ông ta rịn ra một lớp mồ hôi mỏng. Mùa hè chắc hẳn còn kinh khủng hơn nữa. Bộ vest bằng chất len màu xám bốc ra mùi thuốc diệt gián sặc sụa. Trán ông ta hẹp, bên trên là mái tóc màu đen, dày đến mức quá đáng. Thân thể béo tròn và mái tóc dày lùm xùm hoàn toàn không hợp nhau. Mí mắt ông ta nặng nề phình to, mắt lại rất nhỏ, nhưng nếu nhìn kỹ, có thể thấy sâu bên trong ánh lên vẻ thân thiện.
“Ông cụ đã giao di chúc cho tôi bảo quản. Bảo là di chúc nhưng thật ra không có gì đâu. Hoàn toàn không giống các bản di chúc trong tiểu thuyết trinh thám,” luật sư nói, đằng hắng một tiếng. “So ra thì giống một mảnh giấy nhớ hơn. Tôi sẽ nói miệng nội dung đại khái cho anh trước. Đầu tiên, ông cụ yêu cầu trình tự tổ chức tang lễ của mình. Cụ thể thế nào, tôi nghĩ người của Zenkosha vừa ngồi đây lúc nãy đã nói với anh rồi nhỉ?”
“Tôi đã nghe ông ấy nói sơ qua. Một tang lễ giản tiện.”
“Tốt lắm,” luật sư nói, “đó chính là mong muốn của ông cụ. Cố làm mọi thứ sao cho giản tiện. Chi phí dành cho tang lễ được rút từ các khoản tiết kiệm, chi phí chữa bệnh và các thứ khác thì dùng tiền ký quỹ mà ông cụ đóng một lần từ lúc vào ở trong cơ sở này. Anh không phải trả thêm bất cứ khoản tiền nào nữa.”
“Cha tôi không muốn nợ bất cứ ai, phải vậy không?”
“Đúng vậy. Mọi thứ đều được thanh toán trước rồi. Ngoài ra, tài khoản của ông cụ ở bưu cục Chikura vẫn còn số dư, sẽ do con trai ông ấy tức là anh thừa kế. Cần thực hiện thủ tục đổi tên chủ tài khoản. Lúc đó cần giấy chứng nhận đã xóa hộ tịch của ông cụ, hộ tịch của anh cùng với giấy tờ xác nhận con dấu. Anh hãy mang những thứ ấy trực tiếp đến bưu cục Chikura, có một số giấy tờ liên quan cần anh đích thân điền và ký tên. Những thủ tục này khá tốn thời gian. Anh cũng biết mà, ngân hàng với bưu điện của Nhật Bản đặc biệt bị ám ảnh về quy cách của các loại công văn.”
Luật sư lấy trên túi áo ra một chiếc khăn tay to tướng, lau mồ hôi trên trán.
“Về vấn đề thừa kế tài sản, những gì tôi cần truyền đạt chỉ có vậy thôi. Gọi là tài sản nhưng ngoài món tiền tiết kiệm này ra, những thứ kiểu như bảo hiểm nhân thọ, cổ phiếu, nhà cửa, kim cương, tranh pháo, đồ cổ đều không có. Rất chi là dễ hiểu, hay có thể nói rất chi là tiện lợi.”
Tengo gật đầu. Đây một trăm phần trăm là phong cách của cha anh. Nhưng việc phải thừa kế số tiền dành dụm của cha khiến Tengo cảm thấy buồn bực. Cảm giác giống như phải đón lấy mấy tấm thảm len vừa dày nặng vừa ẩm chất chồng lên nhau vậy. Nếu có thể, anh không muốn nhận. Nhưng trước mặt vị luật sư béo ung ủng đầu tóc rậm rạp trông có vẻ là người tốt này, anh không tiện nói ra.
“Ngoài ra, ông cụ còn trao cho tôi bảo quản một phong bì. Hôm nay tôi mang đến đây, muốn giao lại cho anh.”
Cái phong bì căn phồng màu nâu được dán chặt bằng băng dính. Vị luật sư béo lấy nó từ trong chiếc cặp táp đen ra, đặt lên bàn.
“Ông Kawana giao cho tôi bảo quản khi nói chuyện với tôi lần đầu, từ hồi ông ấy mới chuyển vào chỗ này. Lúc đó, ông Kawana, ừm, còn tỉnh táo. Đôi khi cũng rối loạn, nhưng nhìn chung là không gặp khó khăn gì trong sinh hoạt. Ông ấy bảo tôi, nếu ông ấy qua đời thì hãy giao phong bì này cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.”
“Người thừa kế theo quy định của pháp luật?” Tengo hơi ngạc nhiên lặp lại.
“Đúng vậy, người thừa kế theo quy định của pháp luật. Ông cụ không nhắc đến cái tên cụ thể nào. Nhưng người thừa kế theo quy định của pháp luật thì chỉ có mình anh Tengo đây thôi.”
“Theo tôi biết thì chắc là như vậy.”
“Vậy, cái này,” nói đoạn, luật sư chỉ vào phong bì trên mặt bàn, “nên giao lại cho anh là đúng rồi. Có thể phiền anh ký tên vào tờ biên nhận này được không?”
Tengo ký tên vào giấy tờ. Cái phong bì hồ sơ màu nâu để trên mặt bàn kia trông quá thiếu cá tính, hoàn toàn mang tính chất công vụ. Mặt trước và mặt sau đều không viết gì.
“Tôi muốn hỏi chuyện này,” Tengo nói với vị luật sư, “lúc ấy cha tôi không hề nhắc đến tên tôi, tức là Kawana Tengo, lần nào sao? Cũng không nhắc đến từ ‘con trai’?”
Trong lúc ngẫm nghĩ, luật sư lại lấy khăn tay ra lau mồ hôi trên trán, sau đó khẽ lắc đầu. “Không, ông Kawana luôn chỉ dùng từ người thừa kế theo quy định của pháp luật. Ông ấy không dùng bất cứ cách biểu đạt nào khác. Tôi thấy hơi lạ, nên nhớ rất kỹ.”
Tengo trầm ngâm không nói. Luật sư thấy vậy liền an ủi anh:
“Nhưng nói đến người thừa kế theo quy định của pháp luật thì chỉ có mình anh thôi, về điểm này, ừm, bản thân ông Kawana cũng rất rõ. Chỉ có điều, trong quá trình bàn bạc về di chúc ông ấy không nhắc đến tên anh mà thôi. Hay anh còn lo lắng điều gì?”
“Lo lắng thì không,” Tengo nói. “Cha tôi vốn hơi khác người một chút.”
Luật sư dường như đã yên tâm, mỉm cười khe khẽ gật đầu, sau đó đặt bản sao hộ tịch mới xuống trước mặt Tengo. “Vì ông ấy mắc phải chứng bệnh này, nên để đề phòng sai sót trong thủ tục pháp luật, tôi đã mạo muội kiểm tra hộ tịch. Theo như ghi chép, anh Tengo là con một của ông Kawana. Mẹ anh qua đời năm anh một tuổi rưỡi. Sau đó, cha anh không tái hôn, một mình nuôi anh lớn. Cha mẹ và anh chị em của ông cụ đều đã qua đời, vì vậy, anh là người thừa kế được pháp luật quy định duy nhất của ông Kawana.”
Luật sư đứng dậy, nói vài lời chia buồn rồi ra về. Tengo ngồi lại một mình, không nhúc nhích, chăm chú nhìn hồ sơ trên mặt bàn. Cha anh chính là người cha ruột cùng dóng máu với anh, mẹ anh thực sự đã qua đời. Luật sư đã nói vậy. Có lẽ đây chính là sự thật, ít nhất là sự thật theo nghĩa pháp luật. Nhưng anh có cảm giác, chuyện gì càng minh bạch thì lại càng xa rời sự thật. Tại sao vậy?
Tengo trở về phòng của cha mình, ngồi xuống trước bàn, thử tìm cách bóc lớp niêm phong dán rất chắc trên phong bì ra. Bên trong phong bì này có lẽ có chìa khóa để giải đáp bí mật. Nhưng đây không phải việc đơn giản, trong phòng không có kéo, dao hay vật gì khác nên anh đành dùng móng tay bóc từng mẫu băng dính một. Sau một phen vất vả mở được phong bì ra, bên trong lại có mấy phong bì khác nhỏ hơn, cái nào cũng dán kín mít. Một trăm phần trăm là tác phong của cha anh.
Một phong bì đựng năm trăm nghìn yên tiền mặt, đúng năm mươi tờ mười nghìn yên mới cứng, bọc trong mấy lớp giấy mỏng kèm một mảnh giấy ghi chữ “tiền mặt dùng khi khẩn cấp.” Đúng là chữ của cha anh. Chữ rất nhỏ, nét nào nét đó đều rất cẩn thận. Chắc ông muốn nói ngộ nhỡ cần chi trả những khoản ngoài dự kiến thì dùng số tiền này. Ông sợ rằng người thừa kế theo quy định của pháp luật của ông có thể không đủ tiền mặt.
Phong bì dày nhất nhét đầy bài cắt ra từ báo cũ và bằng khen các loại, đều là những thứ liên quan đến Tengo. Giấy khen anh giành được trong cuộc thi toán hồi tiểu học, bài đăng trên báo địa phương. Ảnh những chiếc cúp xếp thành một hàng. Một bảng thành tích ưu tú của Tengo, trông như tác phẩm nghệ thuật, để khen thưởng rằng tất cả các môn anh đều đạt điểm tối đa. Ngoài ra, còn có đủ cả các kỷ lục chứng tỏ anh là một thần đồng. Trong tấm ảnh Tengo mặc đồ judo hồi trung học, anh đang cầm lá cờ thưởng mỉm cười. Nhìn những thứ này, Tengo lấy làm kinh ngạc. Sau khi nghỉ ở đài NHK, cha anh đã dọn ra khỏi căn hộ nhà tập thể của công ty ông vẫn ở bấy lâu, chuyển sang một căn hộ cho thuê trong thành phố Ichikawa, cuối cùng dọn đến viện điều dưỡng ở Chikura này. Ông nhiều lần chuyển nhà một mình, đồ đạc cá nhân hầu như không giữ lại món nào. Hơn nữa, quan hệ cha con họ suốt một thời gian dài rất lạnh nhạt. Dù thế, cha anh lại vô cùng trân quý những di vật huy hoàng từ “thời kỳ thần đồng” của Tengo, đi đâu cũng mang theo.
Một phong bì khác đựng các loại giấy tờ từ thời làm nhân viên thu phí cho đài NHK của cha anh. Một bản ghi về việc ông được biểu dương là người thu tiền đạt thành tích ưu tú của năm. Mấy tấm bằng khen giản dị. Ảnh chụp, hẳn là chụp với đồng nghiệp khi đi du lịch với công ty. Chứng minh thư cũ. Giấy tờ chứng nhận đã chi trả tiền dưỡng lão và bảo hiểm y tế. Ngoài ra còn mấy bảng kê chi tiết thu nhập không hiểu giữ lại để làm gì. Các giấy tờ liên quan về việc trả tiền bồi thường thôi việc... Xét đến chuyện cha anh đã có đến ba mươi mấy năm liên tiếp nhẫn nhục làm việc cho NHK, số tiền ấy quả ít đến giật mình. Gần như không là gì so với thành tựu rực rỡ của Tengo thời tiểu học. Có thể, nhìn từ góc độ xã hội, cuộc đời của cha Tengo đích thực gần như không là gì cả. Nhưng trong mắt anh, nó không phải gần như không là gì cả. Cùng với một quyển sổ tiết kiệm bưu chính, cha Tengo đã để lại một cái bóng nặng nề dày đặc.
Trong các phong bì không có gì về quãng đời của cha anh trước khi gia nhập NHK. Như thể chỉ sau khi trở thành nhân viên thu phí của NHK cuộc đời của ông mới bắt đầu vậy.
Bên trong cái phong bì vừa nhỏ vừa mỏng là một tấm ảnh đen trắng. Chỉ có vậy. Ngoài ra không còn gì khác. Đó là một tấm ảnh cũ chưa phai màu nhưng bị một lớp màng mỏng phủ lên, trông như thể bị ngấm nước. Đây là ảnh chụp cả nhà. Cha, mẹ và đứa con nhỏ, chắc chưa đầy một tuổi. Bà mẹ mặc kimono truyền thống trìu mến ôm đứa con trong lòng, phía sau có thể trông thấy tấm biển của đền thờ Thần Đạo. Nhìn cách ăn mặc, có thể thấy bức ảnh chụp vào mùa đông. Cả nhà đi viếng đền thờ Thần Đạo, có lẽ vào dịp năm mới. Bà mẹ nheo nheo mắt như bị chói, miệng mỉm cười. Người cha mặc áo khoác ngắn màu xám, có vẻ hơi rộng, giữa chân mày hằn hai nếp nhăn khá sâu. Nét mặt ấy dường như đang nói, còn lâu tôi mới tin những lời đường mật đấy nhé. Đứa bé được mẹ ôm trong lòng, dường như đang lấy làm tò mò trước thế giới rộng lớn và lạnh lẽo.
Người cha trẻ tuổi kia nhìn cách nào đi nữa thì cũng chỉ có thể là cha Tengo. Nét mặt hẳn còn rất trẻ, nhưng từ hồi ấy trông ông đã toát lên vẻ già dặn, gầy gò, hõm mắt sâu. Gương mặt của một nông phu nghèo khổ trong một thôn làng nghèo khổ, cố chấp và đa nghi khác thường. Tóc ông cắt rất ngắn, lưng hơi gù. Người này chỉ có thể là cha anh. Mặc dù vậy, đứa bé trong ảnh có lẽ chính là Tengo, và bà mẹ đang ôm nó trong lòng chính là mẹ của anh. Bà cao hơn cha anh một chút, vóc người cân đối. Thoạt nhìn, cha anh khoảng ba lăm tuổi, còn mẹ chỉ khoảng hơn hai lăm.
Đây là lần đầu tiên anh thấy tấm ảnh kiểu này. Tengo chưa từng thấy thứ gì có thể gọi là ảnh gia đình, cũng chưa từng xem ảnh thời bé của chính mình. Cha anh giải thích, vì nhà nghèo nên không mua được máy ảnh, cũng không có cơ hội đi chụp ảnh cả nhà. Tengo tin điều đó. Nhưng cha anh đã nói dối. Cả nhà đã từng chụp ảnh, còn lưu lại nữa. Quần áo của họ không hẳn diêm dúa nhưng cũng không đến nỗi phải xấu hổ trước mặt người khác. Trông cũng không nghèo đến mức không mua được cái máy ảnh. Ảnh này có lẽ được chụp sau khi Tengo ra đời không lâu, tức khoảng từ năm 1954 đến 1955. Anh lật mặt sau ảnh lên xem, nhưng không thấy ghi ngày tháng và nơi chụp.
Tengo tỉ mỉ quan sát gương mặt người phụ nữ có thể là mẹ mình kia. Gương mặt trong ảnh rất nhỏ, hơn nữa còn mờ mờ. Giá có kính lúp thì may ra nhìn rõ hơn một chút. Dù vậy, anh vẫn nhận ra được những nét tổng thể. Gương mặt trái xoan, mũi nhỏ nhắn, cặp môi đầy đặn. Tuy không thể coi là xinh đẹp nhưng khả ái, gây thiện cảm. Ít nhất, so với tướng mạo thô lỗ của cha anh, trông bà cao nhã và thông minh hơn nhiều. Tengo lấy làm vui vì điều này. Tóc người phụ nữ được búi cao gọn ghẽ. Vì bà đang mặc kimono, nên anh không nhìn rõ được vóc dáng thế nào.
Ít nhất, nhìn ngoại hình trong tấm ảnh, hai người xem chừng khó mà được gọi là một cặp vợ chồng xứng đôi. Tuổi tác chênh lệch rất lớn. Anh cố thử tưởng tượng trong đầu quá trình hai người gặp gỡ nhau, phải lòng nhau, kết làm vợ chồng, sinh ra một đứa con, nhưng không tưởng tượng được. Từ bức ảnh này, anh không cảm nhận được điều đó. Vậy, nếu không có sự gắn bó nào về tình cảm đã đưa hai người lại với nhau thì ắt phải có một duyên do nào đấy kết làm chồng vợ. Không, có lẽ thậm chí không có cả duyên do nữa. Cuộc đời chẳng qua chỉ là sự tổng hòa của hàng loạt sự kiện phi lý, thậm chí trong một số trường hợp còn thô bạo nữa.
Sau đó Tengo cố hình dung gương mặt của người phụ nữ bí ẩn xuất hiện trong những cơn mơ hay trong đám sương mù ký ức thuở ấu thơ của mình, xem đó có phải chính là người trong ảnh hay không. Bấy giờ anh mới nhận ra, mình không hề nhớ gương mặt của người đó. Người phụ nữ ấy cởi áo khoác, tháo dây vai váy lót, để một ngưởi đàn ông xa lạ mút nụ hoa, và phát ra những tiếng thở dốc như đang rên rỉ. Anh chỉ nhớ được có thế. Một người đàn ông anh không hề quen biết đang mút vú của mẹ anh. Đầu vú lẽ ra phải do anh độc chiếm đã bị kẻ khác cướp đi mất. Đối với một đứa bé, đây có lẽ là một sự uy hiếp vô cùng cấp bách. Mắt anh không sao dịch chuyển lên gương mặt người đàn bà ấy được.
Tengo tạm cất tấm ảnh vào phong bì, ngẫm nghĩ về ý nghĩa của nó. Cha anh đã trân trọng giữ gìn tấm ảnh này đến lúc chết, nhất định là ông rất yêu mẹ. Khi Tengo hiểu chuyện, mẹ anh đã qua đời vì bệnh tật từ lâu. Theo như luật sư điều tra được, Tengo là đứa con duy nhất của người mẹ đã qua đời và người cha làm nhân viên thu phí của đài NHK. Đây là thông tin ghi trong hộ tịch. Nhưng giấy tờ của chính quyền không thể đảm bảo rằng người đàn ông chính là cha đẻ của Tengo.
“Tôi không có con trai,” trước khi rơi vào trạng thái ngủ say, cha Tengo đã nói với anh như thế.
“Vậy thì, con rốt cuộc là gì?” Tengo hỏi.
“Anh chẳng là gì cả.” Đây là câu trả lời ngắn gọn nhưng không còn gì để bàn cãi của cha anh.
Nghe vậy, Tengo đã tin chắc rằng mình và người đàn ông này không có mối quan hệ máu mủ. Anh cảm thấy rốt cuộc mình cũng được giải phóng khỏi gông xiềng nặng nề. Nhưng cùng với thời gian, tính chân thực của những gì cha anh nói khó mà trở nên xác định nổi.
Mình chẳng là gì cả, Tengo thử nói lên thành tiếng.
Sau đấy, anh đột nhiên nhớ ra gương mặt người phụ nữ trẻ trong tấm ảnh cũ có đôi phần tương tự với người tình hơn tuổi của mình. Tên cô là Yasuda Kyoko. Để tự trấn định, Tengo lấy đầu ngón tay ấn lên trán mình một lúc, sau đó lấy tấm ảnh trong phong bì ra lần nữa. Cái mũi nhỏ nhắn, cặp môi đầy đặn, cằm hơi vểnh lên. Kiểu tóc không giống, vì vậy vừa nãy anh mới không để ý nhận ra gương mặt này hơi giống với Yasuda Kyoko. Nhưng mà, điều này có ý nghĩa gì?
Hơn nữa, tại sao cha anh lại giao tấm ảnh này cho anh sau khi chết? Lúc còn sống, ông chưa bao giờ cho Tengo biết thông tin nào dù là nhỏ nhặt nhất về mẹ anh. Thậm chí, ông còn giấu biệt cả sự tồn tại của tấm ảnh này. Cuối cùng, không một lời giải thích, ông lại dúi vào tay Tengo tấm ảnh cũ mờ mịt này. Mục đích của ông là gì? Để cứu đứa con trai này, hay để dẫn đến sự hỗn loạn còn sâu sắc hơn? Tengo chỉ hiểu một điều: cha anh hoàn toàn không có ý định nói rõ nguyên do sâu xa cho anh biết. Lúc sống ông chưa từng, sau khi chết cũng vậy. Nhìn đi, đây có tấm ảnh, giao lại cho anh này. Anh tự mà suy đoán đi. Chắc cha muốn nói với anh như thế.
Tengo nằm ngửa mặt trên tấm đệm trần, nhìn lên trần nhà. Một tấm gỗ dán sơn màu trắng. Phẳng phiu không có vân gỗ cũng không có mẫu gỗ nào, chỉ có mấy đường rãnh nối thẳng như kẻ chỉ. Quang cảnh này chắc là giống với những gì cha anh nhìn thấy từ trong đáy hốc mắt hõm sâu suốt mấy tháng cuối đời. Có lẽ đôi mắt đó không thấy gì cả, nhưng dù sao thì ánh mắt cha anh cũng hướng về chỗ đó, nhìn hay không cũng vậy.
Tengo nhắm mắt lại, tưởng tượng mình nằm đây từ từ trôi về phía cái chết. Nhưng đối với một người đàn ông khỏe mạnh, cái chết hãy còn quá xa ngoài khu vực mà trí tưởng tượng có thể vươn tới. Anh lặng lẽ hít thở, quan sát những bóng nắng hoàng hôn dịch chuyển trên tường. Không nghĩ gì nữa, anh thầm nhủ. Đối với Tengo, để đầu óc trống rỗng không phải chuyện khó. Anh đã quá mệt mỏi, không thể trầm tư gì được nữa. Nếu có thể, anh rất muốn ngủ một lát, nhưng có lẽ vì quá mệt, anh không ngủ được.
Gần sáu giờ, y tá Omura đến, báo với Tengo bữa tối ở căn tin đã sẵn sàng. Tengo không thấy đói. Dù anh đã nói vậy, nhưng cô y tá cao kều ngực to vẫn không nhượng bộ. Ăn một chút thôi cũng được, dù gì anh cũng phải bỏ thứ gì đó vào bụng, cô nói. Gần như là mệnh lệnh. Không cần nói nhiều, cô vốn là chuyên gia trong việc ra lệnh cho người khác giữ gìn sức khỏe. Còn Tengo bản tính vốn không thể kháng cự những mệnh lệnh đầy lý lẽ của người khác, đặc biệt khi đối phương là phụ nữ lớn tuổi hơn mình.
Họ xuống cầu thang đi vào căng tin ở tầng một. Chỉ có Adachi Kumi ngồi đó, không có y tá Tamura. Tengo và Adachi Kumi, y tá Omura ngồi ăn chung một bàn. Anh ăn chút xa lát với rau củ luộc, xúp miso với ngao và hành hoa, sau đó uống trà Hoji nóng.
“Bao giờ thì hỏa táng?” Adachi Kumi hỏi Tengo.
“Một giờ chiều mai,” Tengo trả lời. “Sau khi kết thúc nghi lễ, chắc tôi sẽ về Tokyo luôn. Còn công việc phải làm.”
“Ngoài anh Tengo, lúc hỏa táng còn có ai nữa không?”
“Không có người nào khác. Chắc chỉ có mình tôi thôi.”
“Ưm, vậy em có thể đến không?” Adachi Kumi hỏi.
“Đến tham dự nghi thức hỏa táng bố tôi?” Tengo ngạc nhiên hỏi.
“Đúng. Nói thực lòng, em rất quý bố anh.”
Tengo bất giác đặt đũa xuống, tròn mắt nhìn Adachi Kumi. Cô ấy đang nói về bố mình sao?
“Chẳng hạn ở điểm nào?” Anh hỏi.
“Chính trực, không càm ràm những lời thừa thãi,” cô đáp, “rất giống ông bố đã qua đời của em.”
“Ồ,” Tengo nói.
“Bố em là ngư dân, chưa được năm mươi tuổi đã qua đời rồi.”
“Trên biển à?”
“Không. Chết vì ung thư phổi. Hút thuốc nhiều quá. Chẳng hiểu sao, đám ngư dân người nào cũng hút thuốc như cái ống bể. Khắp người toàn mùi thuốc nồng nặc.”
Tengo ngẫm nghĩ giây lát. “Giả sử bố tôi là ngư dân thì tốt.”
“Tại sao anh nghĩ thế?”
“Tại sao ấy à?” Tengo nói, “chẳng qua là bất chợt nghĩ vậy thôi. So với làm nhân viên thu phí của đài NHK, làm ngư dân không khéo tốt hơn.”
“Với anh Tengo, nếu bố anh là ngư dân thì có lẽ anh sẽ chấp nhận ông hơn, phải không?”
“Chắc là do tôi cảm thấy vậy thì nhiều chuyện có thể sẽ đơn giản hơn một chút.”
Tengo tưởng tượng ra cảnh tượng anh là một đứa nhỏ, ngày nghỉ phải theo cha lên thuyền từ sáng sớm. Gió biển ù ù thổi, bọt sóng Thái Bình Dương bắn tung lên mặt. Tiếng nổ đơn điệu của động cơ chạy dầu. Mùi nồng nặc của lưới đánh cá. Công việc gian khổ kèm với hiểm nguy. Chỉ một sai sót nhỏ thôi là có thể mất mạng. Nhưng so với đi khắp hang cùng ngõ hẻm Ichikawa thu phí nghe nhìn cho đài NHK, cuộc sống như vậy tự nhiên hơn, đầy đủ hơn gấp bội.
“Nghề thu phí cho đài NHK nhất định là vất vả lắm nhỉ?” y tá Omura vừa ăn cá khô vừa hỏi.
“Chắc thế,” Tengo trả lời. Ít nhất đó không phải là công việc anh có thể làm được.
“Nhưng thành tích công việc của cha anh rất xuất sắc đúng không?” Adachi Kumi hỏi.
“Tôi đoán là tương đối xuất sắc,” Tengo nói.
“Anh xem các bằng khen của ông ấy chưa?” Adachi Kumi hỏi.
“À, phải rồi, suýt nữa thì quên việc chính,” y tá Omura đột nhiên đặt đũa xuống, nói. “Tôi quên tiệt mất. Chết thật. Chuyện quan trọng như vậy mà sao tôi lại không nhớ ra chứ. Ừm, hai người ở đây đợi tôi. Có vật này hôm nay dù thế nào cũng phải giao cho anh Tengo.”
Y tá Omura lấy khăn tay lau miệng, đứng dậy khỏi ghế, bỏ lại bữa cơm đang ăn dở, luống cuống đi ra khỏi căng tin.
“Chuyện quan trọng? Rốt cuộc là gì vậy?” Adachi Kumi lấy làm lạ.
Tengo cũng không hiểu gì.
Tengo vừa đợi y tá Omura quay lại vừa tống nốt chỗ xa lát vào miệng như để hoàn thành nghĩa vụ. Không nhiều người đang dùng bữa trong căng tin lắm. Một bàn có ba người già ngồi, ai cũng im lặng. Một bàn khác, một người đàn ông mặc áo trắng, tóc cũng trắng như cước, vừa dùng bữa một mình vừa nghiêm túc đọc tờ báo trải ra trước mặt.
Thoáng sau, y tá Omura tất tả chạy lại, trên tay cầm một túi giấy của cửa hàng tạp hóa. Cô lấy trong đó ra một bộ đồ gấp rất gọn gàng.
“Cách đây khoảng một năm, ông Kawana giao lại cho tôi lúc ông ấy còn tỉnh táo,” cô y tá cao lớn ấy nói, “bảo lúc nhập liệm thì mặc cho ông ấy bộ này. Vì vậy tôi đã mang đến tiệm giặt là giặt sạch sẽ, rồi còn phun thuốc đuổi gián nữa.”
Không thể nào lầm, đây là đồng phục của nhân viên thu phí cho NHK. Trên chiếc quần đồng bộ, li quần được là thẳng tắp. Mùi thuốc đuổi gián xộc vào mũi. Tengo nhất thời không nói được lời nào.
“Ông Kawana nói với tôi, ông ấy muốn mặc bộ này đi hỏa táng,” y tá Omura nói, sau đó gấp bộ đồng phục lại cẩn thận, cho vào túi giấy, “nên giờ tôi trả lại cho anh, anh Tengo. Ngày mai anh cầm đến công ty tổ chức tang lễ, nhờ bọn họ thay cho ông ấy nhé.”
“Nhưng mà, mặc thứ này có vẻ không được hợp cho lắm. Đồng phục là của công ty cho mượn, khi nghỉ hưu cần phải trả lại cho NHK,” Tengo yếu ớt nói.
“Anh không cần lo,” Adachi Kumi nói, “chỉ cần chúng ta không nói ra thì không ai biết cả đâu. Thiếu mất một bộ đồng phục cũ, đài NHK cũng chẳng gặp khó khăn gì đâu mà.”
Y tá Omura cũng đồng ý. “Ông Kawana đã chạy đôn chạy đáo, đi sớm về khuya cho đài NHK hơn ba mươi năm. Phải chịu không ít khổ cực, nào định mức công việc rồi đủ thứ bà rằn khác, chắc chắn là không dễ dàng gì. Một bộ đồng phục thì có gì to tát nào. Mà có phải ông ấy mặc nó đi làm chuyện xấu xa gì đâu chứ.”
“Thì đấy. Em vẫn còn giữ bộ đồng phục kiểu thủy thủ từ thời cấp ba đây này,” Adachi Kumi nói.
“Đồng phục của nhân viên thu phí cho NHK với đồng phục kiểu thủy thủ của học sinh cấp ba khác nhau chứ,” Tengo chen vào. Nhưng không ai để ý đến anh.
“Ừm. Đồng phục thủy thủ của tôi vẫn để trong tủ đấy,” y tá Omura nói.
“Vậy chắc thỉnh thoảng chị cũng mặc cho chồng xem chứ? Hay là còn đi cả tất cao cổ màu trắng nữa?” Adachi Kumi nói đùa.
“Chà, trò này hay đấy,” Omura tì tay lên mặt bàn, chống cằm, nói với vẻ nghiêm túc, “Biết đâu lại khiến anh ta hưng phấn lên.”
“Nói gì thì nói,” Adachi kết thúc cuộc thảo luận về đồng phục thủy thủ, nói với Tengo, “ông Kawana đã bày tỏ muốn mặc bộ đồng phục NHK này đi hỏa táng. Dù sao cũng phải hoàn thành di nguyện nhỏ này của ông ấy chứ. Anh nói xem có phải không?”
Tengo mang túi giấy đựng bộ đồng phục thêu logo NHK trở về phòng. Adachi Kumi đi theo, giúp anh trải ga giường. Ga giường mới vẫn còn mùi hồ, chăn len mới, vỏ chăn mới, gối mới. Sau khi thay toàn bộ chăn ga gối mới tinh, giường bệnh của cha anh dường như đã thay đổi hẳn diện mạo. Tengo chợt nghĩ vẩn vơ đến chỗ lông mu rậm rạp của Adachi Kumi.
“Khoảng thời gian cuối, cha anh vẫn luôn hôn mê bất tỉnh,” Adachi vừa đưa tay vuốt những nếp nhăn trên ga giường vừa nói, “nhưng em đoán ông ấy chưa hoàn toàn mất đi ý thức đâu.”
“Sao cô lại nghĩ thế?” Tengo hỏi.
“Bởi vì, có đôi lúc, cha anh như thể đang phát tín hiệu cho một ai đấy.”
Tengo đang đứng bên cửa sổ ngó nghiêng ra ngoài, liền ngoảnh đầu lại nhìn Adachi Kumi. “Phát tín hiệu?”
“Ưm. Ông ấy thường đập vào khung giường. Cánh tay gõ vào mép giường, kiểu như đánh mã morse ấy, cốc cốc, cốc cốc cốc, như vậy này.”
Adachi Kumi dùng nắm tay khe khẽ gõ vào khung giường gỗ.
“Anh xem, thế này chẳng như đang phát tín hiệu à?’
“Tôi thấy đó không phải phát tín hiệu đâu.”
“Thế thì là gì?”
“Đang gõ cửa,” Tengo nói bằng giọng khô khốc, “đang gõ cửa nhà người khác.”
“Ưm, cũng phải. Cũng có khả năng là thế. Nghe cũng giống tiếng gõ cửa thật.” Sau đó, Adachi Kumi nghiêm nghị nheo nheo mắt lại, “em bảo này, thế có phải là sau khi mất ý thức, ông Kawana vẫn đi khắp nơi thu tiền phí nghe nhìn không nhỉ?”
“Chắc thế đấy,” Tengo nói, “ở nơi nào đó trong đầu.”
“Giống như chuyện người lính chết rồi vẫn không buông cây kèn hiệu của mình ấy nhỉ,” Adachi Kumi cảm thán.
Tengo không biết trả lời cô thế nào, đành in lặng.
“Cha anh chắc yêu thích công việc ấy lắm nhỉ. Đi khắp nơi thu phí nghe nhìn cho đài NHK.”
“Tôi nghĩ, đó không phải là vấn đề thích hay không thích,” Tengo nói.
“Vậy thì là vấn đề gì?”
“Đó là công việc mà bố tôi giỏi nhất.”
“Ồ, vậy sao?” Adachi Kumi nói đoạn trầm ngâm giây lát, “có điều, ở chừng mực nào đó, sống như vậy có lẽ là cách tốt nhất.”
“Có lẽ vậy,” Tengo nhìn ra khu rừng chắn gió mà nói. Có lẽ đúng là như vậy.
“À, thế anh thì giỏi nhất thứ gì?” cô hỏi.
“Tôi không biết.” Tengo nhìn thẳng vào mặt Adachi Kumi, trả lời, “Tôi thực sự không biết."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]